Điều chỉnh quy hoạch thành phố Hải Dương đến năm 2040

Địa phương
10:00 AM 17/04/2023

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 nhằm khai thác và phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng hạ tầng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều chỉnh quy hoạch thành phố Hải Dương đến năm 2040 - Ảnh 1.

Quảng cảnh hội nghị. Ảnh: Internet

Theo Quyết định, phạm vi lập Quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hải Dương bao gồm: 19 phường và 6 xã với tổng diện tích khoảng 111,68km2. Phía bắc giáp huyện Nam Sách, phía nam giáp huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ, phía đông giáp huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà, phía tây giáp huyện Cẩm Giàng.

Dân số toàn thành phố Hải Dương đến năm 2030 khoảng 485.000 người, đến năm 2040 khoảng 668.500 người. Giai đoạn đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 7.241ha. Giai đoạn đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 8.993ha.

Thành phố Hải Dương sẽ phát triển theo mô hình trục vành đai và các trục xuyên tâm với hạt nhân là đô thị trung tâm hiện hữu, lấy sông Thái Bình và sông Sặt là trục không gian phát triển chính, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 5 vùng Thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm. Trong đó, khu trung tâm đô thị hiện hữu được bảo tồn phát huy giá trị văn hóa con người xứ Đông, quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị theo định hướng phát triển chung để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tập trung có đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng đô thị hiện đại, kiểm soát môi trường của khu, cụm công nghiệp. Khai thác và kết nối các không gian dọc sông Thái Bình và sông Sặt, di chuyển các nhà máy xí nghiệp, các cơ quan để bảo đảm điều kiện môi trường và hoạt động đô thị.

Không gian sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông. Tổ chức các cầu mới qua sông bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, phát huy các giá trị cảnh quan phát triển công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, du lịch, công viên, cây xanh.

Điều chỉnh quy hoạch thành phố Hải Dương đến năm 2040 - Ảnh 2.

TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Internet

Khai thác cảnh quan sông Sặt, tổ chức không gian cây xanh công viên thể dục thể thao, vui chơi giải trí, bảo đảm các điều kiện môi trường và thoát nước đô thị.

Khai thác lợi thế tuyến vành đai 5 vùng Thủ đô và tuyến vành đai 1, hình thành các trung tâm văn hóa, trung tâm triển lãm, trung tâm logistics, chợ đầu mối của đô thị. Phát triển các khu đô thị sinh thái, duy trì hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp.

Khai thác quỹ đất phía Nam gắn với hệ thống trung tâm cấp vùng và đô thị về giáo dục, y tế, thể dục thể thao, tổ chức các công viên đô thị mới, các khu vui chơi giải trí thể dục thể thao cao cấp. Phát triển hạ tầng kết nối vành đai 1 và 2 cùng các tuyến xuyên tâm tạo nên một cực phát triển mạnh cho toàn đô thị.

Tại Hội nghị, thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực cũng như quyết tâm phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương nói chung và TP Hải Dương nói riêng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng hi vọng việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 sẽ sớm được triển khai và thực hiện hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần đưa Hải Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, cán bộ và nhân dân Hải Dương rất vui mừng khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040.

Khẳng định những thuận lợi về địa thế của TP Hải Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cũng thông tin, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của TP Hải Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ được đầu tư đồng bộ. TP Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Trần Đức Thắng, việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 có ý nghĩa rất quan trọng nhưng đây mới là điểm khởi đầu. Để quy hoạch đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm và cũng không ít khó khăn.

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đề nghị TP Hải Dương cần khẩn trương tổ chức rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, xem xét khả năng cân đối nguồn vốn dành cho công tác lập quy hoạch của thành phố, các quy định về quản lý quy hoạch và yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, chỉnh trang đô thị để triển khai lập Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để đảm bảo công tác quản lý. Trong đó, ưu tiên bố trí triển khai trước đối với các khu vực trọng điểm phát triển.

Trên cơ sở Điều chỉnh Quy hoạch chung được duyệt, TP Hải Dương cần khẩn trương triển khai lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và Chương trình phát triển đô thị TP Hải Dương để trình duyệt làm cơ sở quản lý, triển khai thực hiện, để Quy hoạch được triển khai trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp căn cứ vào Quy hoạch thành phố đã được duyệt để nghiên cứu, xem xét đầu tư hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP Hải Dương, cùng chung tay xây dựng TP Hải Dương ngày một xanh, thông minh, hiện đại và phát triển...

Ngọc Mỹ
Ý kiến của bạn