Điều gì dẫn tới sự phân hóa lợi nhuận của các ngân hàng?

Ngân hàng
09:45 AM 29/01/2021

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh có thể khiến lợi nhuận giữa các ngân hàng phân hóa, trong đó, những ngân hàng có dư nợ cho vay cao trong các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như: du lịch, vận tải, hàng không… sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Theo phân tích của các chuyên gia, đi dịch COVID-19 có thể coi như một bài kiểm tra khả năng chống chịu của các ngân hàng trước những biến động lớn và với những rủi ro bất thường. Tất nhiên sẽ có những ngân hàng chống chịu tốt, có những ngân hàng chống chịu kém hơn. Sự phân hóa giữa các ngân hàng vì thế ngày càng lớn, thậm chí, ngân hàng nào yếu kém có thể phải rời cuộc chơi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, ngân hàng chỉ chịu tác động gián tiếp từ dịch bệnh. Tuy nhiên, ngân hàng là bên cung ứng vốn cho nền kinh tế, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng mới chính là nhóm chịu tác động lớn nhất.

Phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng lớn - Ảnh 1.

'Bão COVID-19' ập đến, lợi nhuận các ngân hàng phân hóa mạnh

Vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng bắt buộc thống kê chi tiết hoạt động kinh doanh của cả một năm. Vì vậy, có thể những quý đầu năm “bức tranh” kinh doanh của một số ngân hàng còn tươi sáng. Thế nhưng, trong quý IV sẽ phản ánh thực chất kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Đối với các ngân hàng có lãi tăng là vì tăng trưởng tín dụng tăng trở lại vào quý IV/2020 do nhiều ngành kinh tế phục hồi. Cộng với việc lãi suất huy động giảm, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng khiến biên lãi ròng của các nhà băng cải thiện.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng mạnh, nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bancassurance (phân phối bảo hiểm), mua bán ngoại tệ đều phục hồi cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các nhà băng.

Một yếu tố quan trọng khác là Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng không phải chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đó giảm mức trích lập dự phòng rủi ro cũng khiến lợi nhuận ngân hàng "đội lên".

Năm 2020, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận có một số ngân hàng duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định. Đơn cử như Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là 4 ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất thị trường hiện nay, gần đây liên tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng mức tăng trưởng có sự chênh lệch đáng kể.

Vietcombank vẫn vững vàng ở vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng. Theo BCTC, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của Vietcombank đạt 23.045 tỷ đồng, giảm nhẹ 78 tỷ đồng so với năm 2019.

Á quân lợi nhuận ngân hàng năm nay là VietinBank khi ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 16.450 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2019. Trước đó, năm 2019, VietinBank chỉ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng.

Techcombank tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, lợi nhuận hợp nhất nhà băng này năm 2020 đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019.

BIDV ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV trong năm vừa qua đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%.

Agribank đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng, rớt mạnh từ vị trí á quân năm 2019. Tương tự Vietcombank, Agribank cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm vừa qua, chỉ đạt gần 13.000 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng đón nhận “làn sóng” suy giảm hoạt động kinh doanh ở các mảng chủ chốt. Chẳng hạn như, lũy kế cả năm 2020, lợi nhuận của Saigonbank chỉ đạt 121 tỷ đồng, giảm 33%. Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng báo lỗ gần 25 tỷ đồng trong quý IV/2020, lợi nhuận cả năm giảm 93%, vỏn vẹn đạt 3,7 tỷ đồng…

Phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng ngày càng lớn - Ảnh 2.

Một số ngân hàng đã tách tốp, đứng trên đỉnh cao về quy mô lợi nhuận và hiệu quả nhờ bước đi mới trong chu kỳ kinh tế qua.

Chia sẻ với báo giới, TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, kết quả kinh doanh của một số ngân hàng sụt giảm không nằm ngoài dự đoán, nhưng việc vẫn có không ít ngân hàng tăng trưởng tốt cho thấy sức đề kháng của các ngân hàng đang được cải thiện tích cực.

“Trong khi bản thân các ngân hàng cũng chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng họ vẫn có thể hỗ trợ tích cực được cho DN, nền kinh tế. Điều này cũng cho thấy năng lực tài chính và sự linh hoạt thích ứng của hệ thống các ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt và có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế”, TS. Thành nhận xét.

Theo các chuyên gia, năm 2021 đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, để trụ vững trong giai đoạn tới các ngân hàng cần phải có sự phân tán rủi ro trong hoạt động tín dụng để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng nên nghiên cứu các sản phẩm phù hợp, nhất là về thanh toán quốc tế để tận dụng cơ hội khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là các hiệp định thương mại lớn vừa được ký kết.

Huyền Thương
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.