Điều hành giá xăng dầu linh hoạt với kiểm soát giá cả hàng hóa
Giá xăng dầu tăng đã tác động mạnh đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.
"Bão giá" từ xăng dầu từ cọng hành đến cân thịt
Sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2, giá xăng RON 95 đã hơn 26.000 đồng/lít, vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới khiến thị trường xăng dầu chưa thể hạ nhiệt.
Giá xăng liên tục tăng mạnh khiến giá dịch vụ, hàng thiết yếu tăng "vùn vụt".
Cụ thể, các ứng dụng Grab, ShopeeFood đều đang áp dụng thêm phí dịch vụ 2.000 đồng/đơn hàng, với giải thích để giúp ứng dụng duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ, khích lệ tài xế. Với các doanh nghiệp vận tải, thông thường khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm khoảng 10-20%, giá cước sẽ được điều chỉnh từ 3,5 đến 10%, tùy theo sự biến động.
Nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ, đại lý bán hàng cũng đã nhận được thông báo tăng giá từ nhà sản xuất với nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng... Trong đó, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam thông báo giá bán lẻ mới, 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi đều tăng giá trong phạm vi 5%. Tương tự, Vinamilk và Nestlé cũng đồng loạt điều chỉnh giá các sản phẩm trong phạm vi 5%.
Tại các chợ ở Hà Nội giá một số loại củ quả, rau gia vị tăng mạnh trong những ngày gần đây. Như bắp cải tăng giá từ 7.000-8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, rau cải 30.000 đồng/bó, súp lơ xanh 50.000 đồng/kg; ngay hành lá cũng tăng từ 15.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg; dưa muối tăng từ 40.000 đồng/10kg nay tăng lên 230.000 đồng/10kg (tăng hơn 5 lần); giá gas công nghiệp tăng từ 1 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng...
Nỗ lực kiểm soát giá cả
Giá xăng tăng cao đang là vấn đề đáng lo ngại, có tính tác nhân kích thích lạm phát gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục cần có nhiều sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, tài khóa và tài chính, sự bình ổn của thị trường nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh và phát triển.
Từ đó, các loại mặt hàng, dịch vụ sẽ theo giá xăng, tạo ra mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại, tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch, đồng thời người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu ảnh hưởng của việc tăng giá này.
Diễn biến thị trường trên đòi hỏi giải pháp linh hoạt khi điều hành giá xăng dầu bán lẻ, song hành nỗ lực kiểm soát giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để tác động quá lớn tới đời sống người dân.
Về việc điều hành giá xăng dầu, trao đổi trên báo chí, TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Chúng ta đều biết, yếu tố thuế, phí tác động lớn đến giá cả xăng dầu. Vì vậy, muốn giảm giá, phải tính đến việc điều chỉnh các loại thuế, phí đối với giá xăng dầu. Việc này đã có quy định cụ thể rồi, nên cần phải xem xét điều chỉnh linh hoạt các loại thuế nhập khẩu, rồi các loại thuế khác như thuế môi trường…”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng có 2 “van” điều tiết giá xăng dầu, đó là thông qua Quỹ Bình ổn giá và thuế, tuy nhiên, để điều chỉnh 2 yếu tố này cần có sự linh hoạt và tính toán kỹ lưỡng. Điều hành quỹ cần linh hoạt vì có thời điểm nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cũng âm quỹ do chi quá nhiều. Đối với điều tiết về thuế, cũng cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong trước mắt ngay được.
Diễn biến thị trường đòi hỏi một giải pháp linh hoạt khi điều hành giá xăng dầu bán lẻ, song hành nỗ lực kiểm soát giá cả hàng hóa.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa không phải rơi vào thế khó, giới chuyên gia nhấn mạnh có những chính sách hỗ trợ mà Nhà nước không tốn tiền nhưng với DN hay người tiêu dùng sẽ rất hiệu quả.
Đơn cử như việc tiếp tục thuế Thu nhập cá nhân, khi lượng tiền nhiều hơn thì người làm công ăn lương sẽ tiêu tiền nhiều hơn, sức mua sẽ tăng lên. Theo đó, nên miễn thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022, 2023 với nhóm cá nhân có thu nhập chịu thuế ở bậc thấp dưới 15 triệu đồng/người/tháng. Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho cả năm 2021, 2022 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Trong khi giá xăng leo thang, giá cả nhiều mặt hàng gia tăng, rồi sức mua lại giảm, thì việc giảm thuế Thu nhập cá nhân được xem là giải pháp để kích cầu tiêu dùng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi các biện pháp về thuế để hỗ trợ kinh tế hiện nay được cho là vẫn chưa đủ “liều”. Vì vậy, các giải pháp về giảm thuế rất cần triển khai đồng bộ, đủ “liều” hơn và nhanh chóng hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc điều tiết giá phải tận dụng tối ưu các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn mặt bằng giá nói chung.
Đối với hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá, đặc biệt những loại là đầu vào quan trọng của nền kinh tế như: điện, nước, xăng dầu, dịch vụ công cần được cơ bản giữ ổn định thông qua các biện pháp như bản thân các doanh nghiệp cung ứng phải tính toán lại các chi phí sản xuất, các yếu tố hình thành giá hợp lý, giảm giá thành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn, các chính sách tài chính - tiền tệ hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm giá thành, tiến hành sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa một cách bình thường.
Để bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đã đề xuất bảy giải pháp nhưng có hai giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phải bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong mọi tình huống - đó là nguyên tắc cơ bản của việc điều tiết giá trong nền kinh tế thị trường.
Thứ hai, phối hợp điều hành nới lỏng chính sách tài khóa - tiền tệ để phục hồi nền kinh tế một cách phù hợp, tăng khả năng hấp thụ vốn vào sản xuất của nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả lượng cung tiền. Thực hiện giải pháp “bơm” tiền ra thị trường, “hút” tiền từ lưu thông về một cách nhịp nhàng, hợp lý, phù hợp diễn biến của thị trường; bảo đảm lượng cung tiền phù hợp lượng tiền cần thiết trong lưu thông. Kiểm soát hợp lý dòng tiền chảy vào thị trường tài sản như: chứng khoán, bất động sản... để tránh những rủi ro, những biến động về thị trường, những cơn sốt về giá lan tỏa sang thị trường hàng hóa, dịch vụ…
An MaiTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.