Điều hành lãi suất phải hài hòa lợi ích các bên
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, khi dịch Covid-19 xảy ra, NHNN đã là một trong những bộ, ngành đầu tiên triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc điều hành lãi suất đảm bảo các mục tiêu chính sách tiền tệ nhưng vẫn hài hòa lợi ích các bên.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 4/9, trả lời câu hỏi về việc vừa qua nhiều doanh nghiệp (DN) trong đó có các DN BOT phản ánh khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN điều hành lãi suất là công cụ của chính sách tiền tệ, NHNN luôn điều hành theo hướng bảo đảm các mục tiêu chính sách tiền tệ, đồng thời hài hoà lợi ích người gửi tiền, các tổ chức tín dụng, người vay.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người dân, DN bị tác động do đại dịch này, gặp khó khăn về dòng tiền và nguồn thu. Vì vậy, NHNN đã là một trong những bộ, ngành đầu tiên triển khai nhiều giải pháp.
Về lãi suất, NHNN đã giảm các lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động, tạo điều kiện hỗ trợ khó khăn chi phí vay vốn với các DN và người dân.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các DN khó khăn trong việc trả nợ vì trong giai đoạn này nguồn thu của DN và người dân gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, NHNN đã chủ động ban hành Thông tư 01 ngày 13/3/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Qua đó, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho các DN nói chung, trong đó có các DN làm BOT, gặp khó khăn trả nợ cũ, có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, với các khoản cho vay mới cũng như dư nợ cho vay cũ. Thống đốc NHNN đã kêu gọi các tổ chức tín dụng sử dụng chính nguồn lực bản thân, tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, hạn chế chia cổ tức…
Từ đó, có nguồn lực tài chính, giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ với con số đáng ghi nhận. Với các khoản cho vay mới, theo mức lãi suất thấp hơn. Ví dụ gần đây, lãi suất huy động bình quân đến cuối tháng 7/2020 so với cuối 2019 đã giảm 0,6%/năm, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến DN BOT gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho hay “hiện nay, nhiều nhà đầu tư BOT phải huy động từ các nguồn tiền khác trả cho ngân hàng để tránh bị nợ xấu, DN sẽ gặp khó khăn để duy trì hoạt động hiệu quả”.
Ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Ngành GTVT có 61 dự án BOT, trong đó có 60 dự án đã đưa vào khai thác, còn 1 dự án đang đầu tư xây dựng. Qua theo dõi, nhiều hợp đồng có nguồn thu sụt giảm so với dự kiến do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, do định hướng chung về ổn định giá, giảm giá vé xe vận tải, xe tải, nhóm 4, 5. Thứ hai là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên lưu lượng giao thông giảm. Thứ ba là chưa thực hiện điều khoản trợ giá cho các nhà đầu tư, cần có thời gian nhất định để tăng trưởng mức thu…
Bộ GTVT tập hợp phân tích, đã tham vấn nhiều cơ quan liên quan, gồm cả Ngân hàng thương mại và NHNN để đưa ra các kiến nghị giải pháp. Bộ có phân tích các nguyên nhân do tác động khách và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là tác động do dịch Covid-19, phát triển kinh tế không như ban đầu. Còn nguyên nhân chủ quan là do quá trình lập dự án, phương án tài chính…
"Do đó, chúng tôi đã tham vấn nhiều cơ quan liên quan, gồm cả ngân hàng thương mại và NHNN và báo cáo Chính phủ để có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ khó khăn cho các DN này," ông Đông cho hay.
Xuân BáchTại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024 diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi đã thông tin về tình hình lương, thưởng Tết năm 2025 của người lao động.