Điều kiện tăng vốn điều lệ tại công ty CP có vốn Nhà nước
Công ty của bà Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) là doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Công ty đang có tích lũy quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nay muốn sử dụng các nguồn vốn trên để tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, qua rà soát quy định pháp luật về đầu tư vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty bà Mai đang gặp vướng mắc trong việc áp dụng Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Thông tư 219/2015/TT-BTC như sau:
- Điểm a Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 219/2015/TT-BTC quy định về trường hợp đầu tư vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên:
“Căn cứ hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung thêm vốn điều lệ tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và sau khi Nhà nước đã thực hiện đầu tư bổ sung vốn (kể cả trường hợp sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia theo phần vốn Nhà nước để đầu tư bổ sung); hoặc trường hợp công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên sử dụng các nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần (đối với công ty cổ phần), nguồn quỹ khác, công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
- Điều 13 và Điều 14 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, cấp vốn đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên quy định nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm: Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; cổ tức, lợi nhuận được chia (Điểm đ Khoản 1 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP).
Nghị định số 91/2015/NĐ-CP không có quy định về trường hợp công ty cổ phần có vốn Nhà nước sử dụng các nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần, nguồn quỹ khác để tăng vốn điều lệ.
Bà Mai hỏi, căn cứ quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư số 219/2015/TT-BTC, có thể hiểu là việc công ty cổ phần có vốn Nhà nước sử dụng các nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần, nguồn quỹ khác để tăng vốn điều lệ không thuộc trường hợp đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP hay không? Việc tăng vốn điều lệ của các công ty cổ phần trong trường hợp này áp dụng theo quy định nào? Điều kiện, trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ từ các nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần, nguồn quỹ khác (ngoài cổ tức và lợi nhuận được chia) tại các công ty cổ phần có vốn Nhà nước như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Tại Khoản 3 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 quy định: “Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp là việc Nhà nước sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc vốn từ các quỹ do Nhà nước quản lý để đầu tư vào doanh nghiệp”.
Điểm d Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định, trong hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên gồm có: “Đề xuất nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; cổ tức, lợi nhuận được chia (nếu có)”.
Điều 14 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP cũng quy định trình tự thủ tục cấp vốn đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và cổ tức, lợi nhuận được chia theo phần vốn Nhà nước.
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định, người đại diện phần vốn Nhà nước có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên về các vấn đề sau đây:
“Ban hành điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ; tăng hoặc giảm vốn điều lệ; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, khen thưởng, xử lý sai phạm đối với thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc”.
Như vậy pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định việc đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; cổ tức, lợi nhuận được chia (nếu có); đồng thời quy định trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước khi thực hiện tăng vốn điều lệ tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Về điều kiện, trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ từ các nguồn lợi nhuận sau thuế, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần, nguồn quỹ khác (ngoài cổ tức và lợi nhuận được chia) tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về chứng khoán hiện hành và quy định về trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chinhphu.vnTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.