Điều tiết thị trường: Nhìn từ thịt lợn
Khi yêu cầu sự rạch ròi giữa doanh nghiệp và cơ quản quản lý nhà nước thì mọi tình huống phải xử lý căn cứ vào quy luật khách quan.
Phải tăng cung để giảm giá thịt lợn
Khi yêu cầu sự rạch ròi giữa doanh nghiệp và cơ quản quản lý nhà nước thì mọi tình huống phải xử lý căn cứ vào quy luật khách quan.Chị Mai (Gio Linh - Quảng Trị) nói với tôi rằng, để mua được 1 kg thịt lợn ngon nhất lúc này phải bỏ ra gần 1 ngày lương của chị. Đó là ngày lương khi công ty nơi chị làm việc mất đơn hàng, ít việc do dịch bệnh...
Nhiều người nói vui, thịt lợn bây giờ không khác nào “món trang sức” đắt đỏ. Hồi năm ngoái, khi Trung Quốc khủng hoảng thịt lợn mạng xã hội truyền tay nhau tấm hình người đàn ông đeo tảng thịt ba chỉ trước ngực...
Còn tại Việt Nam, người ta còn bảo “thịt lợn giá tivi...”, vì không thể tìm đâu ra cái giá trong mơ như thế. Cũng phải mua, vì thịt lợn với người Việt ta là thực phẩm tối quan trọng.
Giá thịt lợn trong mơ là 60.000/1kg như mong muốn của Chính phủ và các Bộ, ngành. Nhưng ngoài chợ, nó “nhảy múa” đến hoa mắt chóng mặt, có chổ 70, 80, 90 và cũng có nơi trên 100.000đ/kg lợn hơi.
Nhiều doanh nghiệp đã quên lời hứa với Bộ Nông nghiệp sau một thời gian ngắn cam kết giữ giá thịt lợn ở mức “bình ổn”. Họ có nhiều lý do, và đều được liệt vào dạng “bất khả kháng”.
Các Bộ liên quan đã nhiều lần họp với doanh nghiệp để bàn về giá thịt lợn, song hiệu năng của sự điều tiết bằng...họp đã không phát huy tác dụng. Vì doanh nghiệp không phải là đơn vị hành chính thuộc cấp, họ không hoạt động theo mệnh lệnh hành chính mà tuân theo tiếng gọi của quy luật thị trường, lợi nhuận...
Khi nhu cầu tăng vọt, nguồn cung lại khan hiếm thì “lời hứa” giảm giá là thứ xa vời. Hơn nữa, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý đúng ra không phải “xin - cho” hoặc “ban ơn - biết ơn”...
Mọi động thái điều tiết thị trường giá cả phải tác động vào bản chất của việc sinh ra giá cả, giá trị, đó là cung - cầu, cạnh tranh.
Để “quy phục” doanh nghiệp phải tuân theo chính sách bình ổn giá, không còn cách nào khác là “xả kho” tăng cung, hạ nhiệt cầu, qua đó kéo giá cả xuống.
Nhưng lại phải hỏi, quỹ dự trữ ở đâu mà xả? Nhiều quốc gia đông dân như Trung Quốc, họ có kho lạnh bảo quản thịt động vật tới vài thập kỷ, phòng thiên tai dịch họa và ứng phó với “khủng hoảng thiếu”...
Người ta ví rằng, kho dự trữ thịt lợn đông lạnh của Trung Quốc có tầm quan trọng không kém kho dầu mỏ chiến lược của Mỹ trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở thập kỷ 70.
Năm 1996, quan chức Trung Quốc từng tiết lộ tăng số thịt lợn dự trữ lên mức 200.000 tấn, so với mức 20.000 tấn ở thời điểm đó. Lượng thịt lợn dự trữ sau này có giảm, nhưng đến ngày nay quay trở lại mức 200.000 tấn, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, thịt lợn quan trọng không kém gạo, từ xưa ông cha ta luôn có sẵn lọ mỡ lợn trên chạn bếp, và ca dao cũng nói “ngày 30 tết thị treo trong nhà”...
Thế nhưng Luật dự trữ quốc gia 2012 chưa đưa thịt lợn vào danh mục dự trữ. Kết quả nhãn tiền là hôm nay, người tiêu dùng nổi đom đóm vì giá thịt lợn quá cao.
Cuối năm 2017, đầu 2018, tại Đồng Nai, người chăn nuôi nhỏ lẻ tự động giết mổ lợn bán tràn lan, rẻ như cho nhưng vẫn ế, có khi ăn thịt lợn trở thành nhiệm vụ chính trị, vì càng nuôi càng lỗ, lợn ăn cả...sổ đỏ, đất đai, vườn tược!
Những lúc ấy, nếu nhà nước nắm thời cơ mua vào dự trữ, chắc chắn bây giờ không phải đau đầu “khuyên bảo” doanh nghiệp kinh doanh...bớt lãi!
Thật khó coi nếu như dân cư một quốc gia nông nghiệp, lợi thế trồng trọt chăn nuôi nhưng người tiêu dùng cứ hướng về nông sản ngoại, nếu như có dùng hàng nội thì cũng ba chìm bảy nổi với giá cả thị trường.
Thông thường sau một lần khủng hoảng, lỗ hổng được vá lại, mắt xích yếu bị lọc ra, điều đó cho thấy sự vận hành tốt của cơ quan quản lý, sự nhạy bén nơi làm chính sách vĩ mô.
Nhưng với nhiều cơ quan hữu quan, nói về lý do, chẳng khác nào là “sở trường” của họ, lúc nào cũng rất thuyết phục. Nhưng nghĩ lại mà xem, chuyện hôm trước tưởng chừng là hy hữu thì hôm sau lại bình thường như ở phố huyện.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.