Digital marketing giải pháp hiệu quả trong phát triển du lịch

Tiếp thị số
03:31 PM 03/04/2025

Cũng giống như những ngành khác, Digital marketing trong ngành Du lịch đã phát triển mạnh những năm gần đây và việc áp dụng đúng phương thức Digital marketing đã giúp nhiều doanh nghiệp thành công trong thu hút du khách.

Thuật ngữ Digital marketing (DM) còn gọi là marketing số, tiếp thị số, marketing trực tuyến hay marketing điện tử, chỉ mới được biết đến trong khoảng 10 năm gần đây. 

Digital marketing là một phần không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, được xem là giải pháp hàng đầu cho việc phát triển mạnh mẽ và lâu dài của rất nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Du lịch.

Digital marketing giải pháp hiệu quả trong phát triển du lịch- Ảnh 1.

Để cạnh tranh với đối thủ và thành công, các công ty trong ngành Du lịch luôn phải tìm ra những cách tốt nhất để tiếp cận khách hàng và đưa ra những gói sản phẩm phù hợp nhất với khách hàng mục tiêu của mình.

Người tiêu dùng ngày nay đều sở hữu điện thoại di động, máy tính để bàn, laptop… có thể dễ dàng truy cập thông tin về du lịch như nơi ở, lịch trình, ẩm thực, các hoạt động khác… Và có một chiến thuật Digital marketing ngành Du lịch hiệu quả chính là cách tốt nhất để tiếp cận một lượng lớn khách hàng một cách nhanh chóng và tiết kiệm.

Những phương thức Digital marketing phổ biến trong du lịch

Một số công cụ Digital marketing được ứng dụng rộng rãi trong ngành Du lịch Việt Nam bao gồm: nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Instagram, YouTube, và TikTok; Website; Email marketing; quảng cáo trực tuyến (Google Ads)… đã trở thành những kênh quan trọng trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (hiện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến ngày 30/6/2024, nước ta có hơn 78,44 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% dân số). Trong đó, 76,5 triệu người dùng Zalo, 72 triệu người dùng Facebook, 63 triệu người dùng YouTube và 67 triệu người dùng TikTok. 5 trang mạng xã hội có số người dùng và truy cập nhiều nhất là: YouTube, Facebook, Zalo, Instagram và TikTok.

Số liệu này cho thấy mạng xã hội đã và đang trở thành kênh quảng bá chính của ngành Du lịch, nơi các công ty du lịch thường xuyên sử dụng để quảng bá các gói du lịch, chia sẻ hình ảnh, video về các điểm đến nổi tiếng, cũng như tổ chức các chương trình tương tác với khách hàng. Đặc biệt, TikTok và Instagram với tính năng chia sẻ hình ảnh và video ngắn đang trở thành công cụ mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của khách hàng trẻ tuổi, những người có xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch thông qua các nội dung hình ảnh và video trực quan.

Website là một công cụ quan trọng không chỉ để cung cấp thông tin chi tiết về các tour du lịch, điểm đến, mà còn để khách hàng có thể dễ dàng tra cứu, đặt tour, thanh toán trực tuyến và đánh giá dịch vụ. Các công ty du lịch tại Việt Nam ngày càng chú trọng vào việc thiết kế website thân thiện với người dùng, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và tích hợp các công cụ hỗ trợ booking trực tuyến.

Digital marketing giải pháp hiệu quả trong phát triển du lịch- Ảnh 2.

Trong nửa đầu tháng 2/2025, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tiếp tục tăng 30% - 45%

Ngoài ra, công cụ SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) cũng là một chiến lược quan trọng giúp các công ty du lịch nâng cao thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm như Google. Việc tối ưu hóa tìm kiếm website du lịch giúp doanh nghiệp và các tổ chức du lịch xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của khách hàng khi họ tìm kiếm các điểm đến du lịch hoặc dịch vụ liên quan đến du lịch. 

Theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2024 tới hết tháng 1/2025 tăng trong khoảng từ 15% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 2/2025, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tiếp tục tăng 30% - 45%. Do đó, quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng và tạo ra sự khác biệt trong ngành Du lịch.

Trong khi đó, quảng cáo trực tuyến (PPC) là quảng cáo qua các nền tảng, như: Google Ads, Facebook Ads và Instagram Ads đã trở thành một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Theo GroupM, một đơn vị thuộc tập đoàn quảng cáo WPP, chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số tại Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD vào năm 2024, với quảng cáo tìm kiếm là phân khúc lớn nhất, đạt 550,9 triệu USD, trong đó Google Ads và Facebook Ads chiếm phần lớn thị phần. Các chiến dịch quảng cáo trực tuyến được tối ưu hóa để hướng tới đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch, từ đó giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và cải thiện khả năng cạnh tranh.

GroupM dự báo, quảng cáo kỹ thuật số sẽ tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với quảng cáo trên thiết bị di động phát triển mạnh nhờ sự phổ biến của smartphone và internet. Truyền thông truyền thống, dù vẫn giữ vai trò quan trọng, nhưng đang dần nhường chỗ cho các nền tảng kỹ thuật số. Quảng cáo ngoài trời vẫn hiệu quả nhưng không còn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, trong khi quảng cáo in ấn đang suy giảm do sự bùng nổ của truyền thông số.

Áp dụng chiến lược Digital marketing để ngành Du lịch phát triển mạnh

Thực tế, hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch lớn như: Vietravel, Saigontourist, TST Tourist... đã ứng dụng các công cụ Digital marketing, như: SEO, Google Ads, và tiếp thị qua người ảnh hưởng (Influencer Marketing) để tối ưu hóa quảng cáo và tiếp cận khách hàng. 

Các chiến dịch sử dụng Google Ads và Facebook Ads đã giúp các doanh nghiệp này gia tăng đáng kể hiệu quả chiến lược quảng bá, hướng đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Ví dụ, Vietravel đã tổ chức nhiều chiến dịch quảng bá qua các influencer nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng gia tăng. Đặc biệt, việc tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm (SEO) đã giúp các trang web du lịch xuất hiện trên các trang đầu của các công cụ tìm kiếm, tăng khả năng tiếp cận khách hàng nhanh chóng.

Việc ứng dụng Digital marketing trong ngành Du lịch tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số. 

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê ngày 6/3, Việt Nam đón 1,9 triệu lượt khách quốc tế đến trong tháng 2, bằng 90% so với tháng trước và 130% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm, Việt Nam đón 3,96 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế của Việt Nam được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ hoàn thành.

Có thể thấy, các chiến lược tiếp thị số không chỉ giúp các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tối ưu hóa quá trình quản lý và quảng bá dịch vụ, mà còn gia tăng đáng kể lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, qua đó tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia. 

Digital marketing đã trở thành một công cụ quan trọng, giúp các doanh nghiệp du lịch, các cơ quản lý nhà nước về du lịch xây dựng thương hiệu hiệu quả, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng tốt hơn. 

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và Trường Đại học Hồng Đức, để tận dụng hiệu quả tiềm năng của Digital marketing mang lại, các doanh nghiệp du lịch cần áp dụng một loạt các giải pháp đồng bộ và sáng tạo, như: Đào tạo và phát triển đội ngũ Digital marketing chuyên nghiệp; tăng cường sử dụng video marketing và nội dung trực quan; tăng chất lượng trải nghiệm người dùng trên website và các nền tảng trực tuyến; tăng cường chiến lược quảng cáo hướng tới đối tượng mục tiêu; ứng dụng công nghệ AI và Big Data...

An Mai
Ý kiến của bạn
Tổng thu ngân sách quý I/2025 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước Tổng thu ngân sách quý I/2025 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước

Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2025 đã đạt khoảng 36,7% dự toán cả năm. Kết quả này có sự đóng góp của các khoản thu xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có mức tăng trưởng tích cực.