Đình Tây: Một địa điểm tâm linh xứ Nghệ

Tiêu dùng và Tiếp thị
09:54 AM 01/03/2021

Được sự nhất trí của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã Phú Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), bà con làng Tiên Bồng đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Đình Tây, một địa điểm tâm linh xứ Nghệ.

Về dự buổi lễ có ông Võ Khắc Điệt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; ông Phạm Minh Chuân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cùng các đại diện Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND; GS.TS Hoàng Xuân Thảo - Trưởng ban Tư liệu và đề án, nhà tài trợ chính phục dựng Đình Tây; ông Phạm Hồng Hải - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đình Tây; đại diện ban, ngành đoàn thể, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học trên địa bàn xã, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân và con em làng Tiên Bồng; con em đang sinh sống, công tác trên khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài.

Lễ khánh thành Đình Tây làng Tiên Bồng được tổ chức trong 3 ngày, gồm 2 phần: Phần Hội diễn trong 2 ngày từ ngày 31/12/2020 - 1/1/2021 (tổ chức giải bóng chuyền và hội diễn văn nghệ chào mừng lễ khánh thành) và phần Lễ tổ chức vào ngày 2/1/2021. Tại buổi Lễ khánh thành, đại diện Ban tổ chức, GS.TS Hoàng Xuân Thảo - người con xa quê, trưởng Ban Tư liệu và dự án, nhà tài trợ chính cho việc phục dựng Đình làng có bài diễn văn Lễ khánh thành Đình Tây.

Đình Tây (Yên Thành - Nghệ An):  Một địa điểm tâm linh xứ Nghệ - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đình Tây.

GS.TS Hoàng Xuân Thảo đã nêu lên quá trình hình thành, thu thập tư liệu về những giá trị tâm linh cốt lõi của Đình Tây. Theo đó, đình là nơi thờ Thành Hoàng. Với mỗi người dân ở làng quê Việt Nam, vị thần Thành Hoàng là vị thần ban phúc cho dân làng. Thành Hoàng có nhiều nguồn gốc, có thể là nhân thần, có thể là nhiên thần, nhưng tựu trung lại là các vị thần đã được lịch sử hóa hay huyền thoại hóa. Tuy nhiên, các Thành Hoàng được sắc vua phong luôn là biểu hiện của lịch sử, của đạo đức, phong tục, pháp luật cũng như hi vọng sống của cả làng. Dù xuất thân bất kỳ từ tầng lớp nào, thì thần Thành Hoàng cũng là chủ thể trên cõi thiêng của làng và đều mang tính chất chung là hộ nước giúp dân ở địa phương đó. Việc thờ cúng tôn nghiêm của tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng đã phát huy được truyền thống đạo đức, lễ nghĩa, tôn ti, trật tự. Dù dân làng có đi đâu, ở đâu, làm gì đều hướng về làng xã trong các ngày lễ hội. 

Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng đồng với nhiều ưu điểm luôn được bảo tồn và phát huy. Việc thờ cúng Thành Hoàng thường được làng tổ chức trong các ngày lễ hội đầu năm, ngày Tết cổ truyền hoặc vào những ngày nhất định trong năm mà Thần tích đã quy định. Vì vậy, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng không chỉ là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, mà còn là sự giao thoa văn hoá giữa các làng xóm với nhau, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể.

Đình làng là nơi thờ phụng Thành Hoàng và trở thành một biểu tượng văn hoá tâm linh của mỗi người dân quê Việt. Làng nào cũng có đình. Đình để thờ Thành Hoàng nhưng đồng thời cũng là trung tâm hành chính, văn hoá, tôn giáo; là nơi sinh hoạt, giao lưu tình cảm... của cộng đồng làng xã. Vì thế, mọi hoạt động của làng đều diễn ra ở đình cùng với sự chứng kiến của Thành Hoàng. Trong tâm thức người dân quê Việt, Đức Thành Hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh và trở thành chứng tích của một làng qua những biến cố, thăng trầm trong cuộc sống và lịch sử

Đình Tây (Yên Thành - Nghệ An):  Một địa điểm tâm linh xứ Nghệ - Ảnh 2.

Đại diện làng Tiên Bồng tri ân công lao của GS.TS Hoàng Xuân Thảo.

Ngày nay, tục thờ cúng Thành Hoàng càng được chú trọng. Ngày giỗ Thành Hoàng là ngày hội đông vui nhất của làng. Trong những ngày lễ hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành Hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui như đấu võ, chọi gà, đánh đu, đánh cờ người, hát chèo, diễn tuồng... Không khí vui vẻ cả ngày lẫn đêm, từ những người cao tuổi đến các em nhỏ, hay những nam thanh nữ tú... ai ai cũng thành tâm, hồ hởi, mong chờ đến ngày giỗ Thành Hoàng. Bởi đây chính là một nhu cầu tâm lý, là chỗ dựa tinh thần, đồng thời là động lực giúp con người sống tốt hơn, đẹp hơn và có ích hơn.

Với những giá trị tâm linh đó, việc phục dựng Đình Tây làng Tiên Bồng là việc làm vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Để có được kết quả ngày hôm nay là nhờ sự đồng lòng của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Thành và các Bí thư chi bộ và các ông Trưởng thôn thuộc làng Tiên Bồng cùng với sự ủng hộ và đoàn kết của toàn thể bà con nhân dân Tiên Bồng, các con em xa quê, sự quyết tâm của các dòng họ, các đồng chí cán bộ đảng viên, Ban Phục dựng đình. Đặc biệt có sự tài trợ lớn của gia đình GS.TS Hoàng Xuân Thảo.

Năm 2012, ý tưởng phục dựng lại đình làng đã được GS.TS Hoàng Xuân Thảo khởi xướng, lập quy trình thiết kế, xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng, phù hợp với nguyện vọng của bà con làng Tiên Bồng. Con em dù ở làng hay ở xa quê đều hưởng ứng. Đến năm 2017, mới hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời địa lợi, nhân hòa để khởi công xây dựng và ý tưởng đó sau 3 năm đến nay đã trở thành hiện thực.

Sau hơn 3 năm thi công, các hạng mục công trình đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được tâm linh, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân địa phương. Ngôi đình mới được phục dựng trên nền móng của đình cũ với tổng giá trị đầu tư trên 5 tỷ đồng, trong đó gia đình GS.TS Hoàng Xuân Thảo - nhà tài trợ chính cho việc phục dựng đình làng đã đóng góp 3 tỷ 750 triệu đồng; nhân dân đóng góp là 670 triệu đồng cùng 1.000 ngày công và có những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, con em xa quê trong làng, tổng hai khoản là 970 triệu đồng.

Việc phục dựng lại đình làng thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần vì quê hương của toàn thể con em làng Tiên Bồng ở quê nhà cũng như ở xa quê. Đình làng được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa từ sự đóng góp tiền của, công sức của toàn thể nhân dân tùy theo hoàn cảnh mà nhiều người góp của, người góp công. Nhưng tất cả đều chung sức, chung lòng. Nhờ vậy làng Tiên Bồng đã có được ngôi đình khang trang, tự hào như hôm nay. Sự chung sức, chung lòng của tất cả con em chính là sức mạnh tổng hợp, là sự đoàn kết, đồng thuận của cả làng và mỗi người phải có trách nhiệm liên tục giữ gìn và phát huy nó.

Đình Tây (Yên Thành - Nghệ An):  Một địa điểm tâm linh xứ Nghệ - Ảnh 3.

Đình Tây làng Tiên Bồng khang trang và uy nghiêm.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Võ Khắc Điệt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã đã bày tỏ tấm lòng biết ơn của người con làng Tiên Bồng: "Về quê hương làng Tiên Bồng, nhân dân cần cù, tính cộng đồng cao, có nền văn hóa phi vật thể dồi dào; có hệ thống đường làng bê tông sạch sẽ, có truyền thống hiếu học từ thời cha ông, tự hào khi là con em của vùng quê xã Phú làng Tiên. Phục dựng đình làng là bước đầu tiên trong lộ trình quy tụ các giá trị văn hóa, là nền tảng các vật chứng tâm linh để trình các cấp có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia sau khi tỉnh Nghệ An đã cho phép phục dựng xong".

Cũng tại buổi lễ, để tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới GS.TS Hoàng Xuân Thảo - người con của làng Tiên Bồng đã đóng góp nhiều công sức và của cải để xây dựng nên ngôi Đình Tây khang trang như ngày hôm nay, nhân dân làng Tiên Bồng đã có món quà tri ân gửi tới GS.TS Hoàng Xuân Thảo. Trước tấm lòng của người dân làng Tiên Bồng, GS.TS Hoàng Xuân Thảo đã bày tỏ sự xúc động và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bà con nhân dân làng Tiên Bồng.

Việc khánh thành Đình Tây làng Tiên Bồng đã đáp ứng được nguyện vọng tha thiết bấy lâu của toàn nhân dân và khách thập phương mỗi khi về thăm quan, cúng bái. Đồng thời, Đình Tây sẽ trở thành một điểm đến tâm linh để giáo dục các thế hệ trẻ của làng Tiên Bồng luôn yêu quý quê hương và củng cố truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường của ông cha trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thân yêu và nguyện đoàn kết bên nhau thực hiện tốt đẹp đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa.

PV
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.