Dịp cuối năm, hàng loạt ngân hàng 'chạy đua' giảm lãi suất cho vay
Nhiều ngân hàng công bố giảm 0,2-1,5% so với lãi suất cho vay hiện hành nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Theo đánh giá mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 10, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm bình quân 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó có một số ngân hàng đã giảm 1-2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở 4,5%/năm.
Trong đó, để tạo dư địa cho vay dịp cuối năm, NHNN cũng vừa đồng ý nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần thứ 2 trong năm nay cho một số ngân hàng thương mại, trong đó mức cao nhất lên tới 30%.
Việc NHNN liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng BIDV cũng thông báo mở rộng quy mô gói cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất từ 70.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng (áp dụng đến hết 31/1/2021). Mức lãi suất nhà băng này đưa ra là từ 5%/năm với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 5,5%/năm với các khoản vay 6-12 tháng, thấp hơn 0,5%/năm ở tất cả kỳ hạn.
Còn ngân hàng Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND với toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng (áp dụng đến hết 15/3/2021). Đối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản vay đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất khác của ngân hàng.
Các ngân hàng khác như Techcombank, TPBank, HSBC, Shinhan... cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà.
Cụ thể, Techcombank giảm lãi suất gói cố định 12 tháng đầu tiên từ 8,29% xuống còn 7,59% một năm. Shinhan Bank giảm lãi suất từ 7% xuống 6,6% một năm. Các ngân hàng TPBank, Hong Leong Bank, HSBC giảm từ 0,6-1,5% mỗi năm.
Đợt giảm lãi suất này cũng tập trung tại một số ngân hàng lớn chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng thấp của cả năm nay (đã tăng gần đây nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ), đặc biệt tại nhóm ngân hàng quốc doanh.
"Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân", NHNN đánh giá.
Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ mặt bằng lãi suất cho vay lại hấp dẫn như hiện nay. Mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang dao động 4,8-6,5% một năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5-7,5% một năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng lớn, nhỏ đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, có nơi hạ 2,5-3% so với thời điểm đầu năm.
Động thái giảm lãi suất cho vay của các nhà băng diễn ra sau khi có sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước. Ngoài việc giảm lãi suất theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch, đây cũng được xem là giải pháp để các nhà băng kích cầu tín dụng.
Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất so với các nước trong khu vực như Philippines giảm 2%; Thái Lan giảm 0,75%, Malaysia giảm 1,25%, Indonesia giảm 1,25%; Ấn Độ giảm 1,15%; Trung Quốc giảm 0,3%.
Hoài Thương (T/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.