Đoàn công tác Ủy ban châu Âu làm việc với tỉnh Ninh Thuận

Địa phương
09:43 AM 30/05/2024

Ngày 29/5/2024 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức buổi họp báo về chuyến công tác của bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế, Ủy ban châu Âu và trao đổi giữa đoàn công tác của Ủy ban châu Âu với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo đó, từ ngày 28 đến 30/5, đoàn công tác của bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế có chuyến công tác tại Việt Nam (chuyến thăm nằm trong khuôn khổ Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU).

Tại tỉnh Ninh Thuận, đoàn công tác thực hiện chuyến thăm với mục đích hiểu rõ hơn về những cơ hội, thách thức của tỉnh với vị trí trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.

Theo đó, bà Myriam Ferran cùng phái đoàn đi khảo sát Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái do EU và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ (cùng với nguồn hỗ trợ dự kiến đến từ Ngân hàng Tái thiết Đức - KfW và Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB); cũng như mức tăng dự kiến trong hỗ trợ của EU dành cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật và nghề nghiệp về các kỹ năng xanh, kỹ năng số.

Đoàn công tác Ủy ban châu Âu làm việc với tỉnh Ninh Thuận- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Thông tin tại buổi họp báo, bà Myriam Ferran cho hay, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ vững chắc cho mong ước đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, đặc biệt hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới chuyển đổi năng lượng sạch (JETP).

Trong đó, thông qua cách tiếp cận của Nhóm châu Âu (Team Europe), Global Gateway là một thương hiệu ổn định, đại diện cho sự kết nối đáng tin cậy mang lại nhiều cơ hội về kinh tế. Và Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái tại Ninh Thuận là một ví dụ điển hình, là dự án trọng điểm của Global Gateway. EU và các quốc gia thành viên cam kết cung cấp các khoản vay ưu đãi và trợ cấp để hỗ trợ kỹ thuật cho dự án này nhằm xây dựng thủy điện tích năng đầu tiên ở Việt Nam.

Bà Myriam Ferran cũng cho biết, trong chuyến thăm tỉnh Ninh Thuận mong muốn xem xét sự phát triển của tỉnh một cách tổng thể và từ đó áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái.

Đoàn công tác Ủy ban châu Âu làm việc với tỉnh Ninh Thuận- Ảnh 2.

Bà Myriam Ferran, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế chia sẻ thông tin về chuyến khảo sát tại tỉnh Ninh Thuận.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đối tác Quốc tế, Ủy ban châu Âu còn thông tin, trong sáng ngày 29/5 đã được thông báo về sự hỗ trợ sắp tới của EU đối với việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Ninh Thuận; đặc biệt là cung cấp các nguồn nước đang bị thu hẹp thông qua việc cải thiện hệ thống thủy lợi.

"Sau chuyến thăm tỉnh Ninh Thuận, tôi càng tin tưởng hơn trước khi đến Việt Nam rằng có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Nhóm châu Âu theo chương trình Global Gateway, không chỉ cho tỉnh Ninh Thuận mà còn cho cả nước", bà Myriam Ferran đề cập tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến nay tỉnh đã thu hút đầu tư 57 dự án các nguồn điện (mặt trời, gió, thủy điện) với tổng công suất 3.750MW; sản lượng điện năm 2022 trên 7 tỷ kWh, đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh; là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bứt phá, hiệu quả; đưa Ninh Thuận vào nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong những năm gần đây.

Đoàn công tác Ủy ban châu Âu làm việc với tỉnh Ninh Thuận- Ảnh 3.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại buổi họp báo.

Có thể khẳng định phát triển ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành động lực bức phá và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh, là hướng đi đúng đắn, là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để Ninh Thuận phát triển bền vững, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, đặc biệt là từ Tổng cục Đối tác Quốc tế.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của EU ở các Dự án Phục hồi và Quản lý bền vững rừng phòng hộ do JICA 2 tài trợ (120 tỷ đồng) và Dự án Chống hạn, xói lở, ngập lụt thích ứng biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên - Tiểu dự án Ninh Thuận (tổng mức đầu tư 945 tỷ đồng, trong đó AFD tài trợ 732 tỷ đồng).

Đồng thời, Dự án Trường dạy nghề tỉnh Ninh Thuận do Quỹ Ả rập Xê út và Đức tài trợ với tổng mức đầu tư 423,6 tỷ đồng (trong đó vốn ODA của Đức là 2,7 triệu USD) đã hoàn thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định phát triển ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành động lực bức phá và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh; là hướng đi đúng đắn, là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để Ninh Thuận phát triển bền vững, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, tỉnh rất cần sự hỗ trợ của EU, đặc biệt là từ Tổng cục Đối tác Quốc tế.

Dịp này, thay mặt UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Nam đề xuất đoàn công tác xem xét hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận trong một số lĩnh vực hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thông qua hỗ trợ tài chính cho các dự án; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện khí hậu và địa hình tỉnh; hỗ trợ phát triển nhân lực lĩnh vực năng lượng; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông và lưới điện, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng; hỗ trợ các chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường bền vững…

"Tôi tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa tỉnh Ninh Thuận và Tổng cục Đối tác Quốc tế, Ninh Thuận sẽ có thể khai thác tốt tiềm năng, phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai", ông Nam nói.

Tổng cục Đối tác Quốc tế (DG INTPA) là cơ quan phụ trách chính sách đối tác và phát triển quốc tế của Liên minh châu Âu với các mục tiêu như giảm nghèo, đảm bảo phát triển bền vững.

Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu là một sáng kiến quan trọng của EU thực hiện thông qua Nhóm Châu Âu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, hòa bình và ổn định trên toàn thế giới; lĩnh vực ưu tiên gồm kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục và nghiên cứu.

Phương Loan
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.