Đoàn đại biểu Vesak 2025 đến thăm và làm việc tại núi Bà Đen, Tây Ninh
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh cung đón lãnh đạo TW GHPGVN và đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất trí cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm nhất định phải đến của hàng nghìn đại biểu Phật giáo toàn cầu trong dịp Đại lễ Vesak.
Ngày 28/9, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh cung đón lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025.
Tham dự sự kiện tại núi Bà Đen có sự quang lâm của Hòa thượng GS.TS Phra Brahmapundit - Chủ tịch ICDV, Hoà thượng T. Dhammaratana - Phó Chủ tịch ICDV, cùng với các đại biểu thành viên của ICDV đại diện cho các quốc gia Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Sri Lanka, Anh, Na Uy, và Thái Lan…
Về phía GHPGVN có sự tham dự của Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương cùng đoàn các Chư tôn đức Hoà thượng thuộc GHPGVN và GHPGVN tỉnh Tây Ninh...
Ngay từ sáng, gần 100 đại biểu đã có mặt tại núi Bà Đen, ngọn núi thiêng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người dân Nam Bộ.
Tại đây, đoàn đại biểu thực hành nghi thức đảnh lễ trước Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014, với mong ước Phật giáo Việt Nam phát triển tốt đẹp, ngày càng thịnh vượng, hộ quốc an dân.
Đoàn cũng chiêm bái hệ thống công trình văn hoá Phật giáo quy mô, với tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á toạ lạc trên đỉnh núi, tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới, và tham quan không gian triển lãm Phật giáo trưng bày các phiên bản mô phỏng các tác phẩm Phật giáo kinh điển trên thế giới và Việt Nam, xem phim 3D mapping về sự hình thành của vũ trụ dưới lăng kính của Phật giáo.
Sau buổi tham quan, chương trình thảo luận về Đại lễ Vesak 2025 được diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm và thân ái.
Phát biểu tại sự kiện, Hòa thượng Phra Brahmapundit - Chủ tịch ICDV cho biết, hơn 1.000 đại biểu, hơn 80 quốc gia sẽ đến tham dự Vesak 2025, núi Bà Đen là điểm phải đến tham quan, đây là cơ hội tuyệt vời trong đời để có thể chiêm ngưỡng văn hóa Phật giáo sống động tại Việt Nam.
“Vesak 2025 sẽ có một chuỗi chương trình quan trọng tại Học viện Phật giáo tại TP.HCM, trong đó núi Bà Đen là một viên ngọc báu, một điểm nhấn chính cho toàn bộ sự kiện này", Hòa thượng nói thêm.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết, núi Bà Đen được chọn là nơi để các đại biểu quốc tế và Phật tử quốc tế tham quan và tham gia các lễ hội văn hoá tôn giáo vào ngày cuối cùng của Đại lễ Vesak (8/5/2025).
“Sở dĩ núi Bà Đen được chọn là bởi đây là ngọn núi linh thiêng, ngọn núi đã đi vào lịch sử và nằm trong tâm thức của người Việt Nam. Đây còn là nơi chứa đựng nguồn gốc tâm linh, lịch sử và mang đến cảm giác an yên cho mọi người", Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ.
Như vậy, vào dịp Đại lễ Vesak 2025, hàng nghìn đại biểu từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các lãnh đạo Giáo hội Phật giáo trong và ngoài nước sẽ đến núi Bà Đen tổ chức các nghi lễ thiêng liêng tại điểm đến tâm linh hàng đầu Nam Bộ này.
Đây được xem là một hoạt động ý nghĩa và quan trọng trong chuỗi hoạt động của Vesak 2025, khẳng định sự quan tâm của cộng đồng Phật giáo quốc tế đến những giá trị truyền thống của Phật giáo Việt Nam nói chung và ngọn núi Bà Đen – một biểu tượng trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo tại Nam bộ Việt Nam nói riêng.
Đại lễ Vesak 2025 là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức cũng là lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, sự kiện càng có ý nghĩa khi trùng với Đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước Việt Nam và 80 năm Quốc khánh Việt Nam.
Sự kiện sẽ có sự tham dự của 2.000 đại biểu chính thức, gồm 1.000 đại biểu khách mời quốc tế đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ là một số nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các cơ quan của Liên hợp quốc; lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, học giả, và các nhà nghiên cứu; đại biểu khách mời trong nước là 1.000 đại biểu tăng ni GHPGVN Việt Nam.
PVĐiều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng; 3 hình thức công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 25/12/2024; Quy định mới về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại,… là một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 12/2024.