Đoàn giám sát Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Địa phương
09:22 AM 26/11/2023

Mới đây, Đoàn giám sát 167 - Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và địa phương, Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn. Về phía UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND tỉnh. Đồng chí Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đơn vị liên quan.

Qua báo cáo tóm tắt của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2023 đạt 5,72%/năm, ở mức khá so với các tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 2.700 USD, gấp 1,34 lần so với năm 2019.

Đoàn giám sát Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: BTTH)

Trong đó, thu ngân sách ổn định, tăng trưởng bình quân 16%/năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện; hệ thống đô thị phát triển nhanh; diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ có nhiều chuyển biến; từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch, khoa học- công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước.

Về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đến cuối năm 2023 giảm còn 2,79%. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Ngoài ra, để làm rõ hơn các kết quả đã đạt được, các thành viên cũng trao đổi các kinh nghiệm thực tế cũng như chỉ ra tồn tại, hạn chế trong ba năm thực hiện Nghị quyết 54. Từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

Đặc biệt, việc giám sát nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm, các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động từ khi ban hành Nghị quyết 54 đến nay. Đây cũng là dịp để tỉnh rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt là các khó khăn vướng mắc qua thời gian thực hiện Nghị quyết 54. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát báo cáo Bộ Chính trị, các bộ, ban, ngành để tập trung tháo gỡ khó khăn, thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết 54.

Đồng chí Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và địa phương, Ban Kinh tế Trung ương, ông Phạm Hồng Hải ghi nhận, đánh giá cao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chủ động, tích cực chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Sau ba năm thực hiện, Nghị quyết 54 đã mang lại nhiều kết quả, tác động tích cực đến kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mặt khác, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Thừa Thiên Huế cần nỗ lực hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương để triển khai thực hiện nghị quết 54 của Bộ Chính trị, nhất là quyết tâm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh. Đồng thời yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện báo cáo, bổ sung các tài liệu liên quan đến đoàn công tác. Đồng thời, ghi nhận kiến nghị của huyện để Ban Kinh tế Trung ương sẽ sớm làm việc với các Bộ liên quan để tìm cách tháo gỡ.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.