Mỗi khi đất nước nguy nan, niềm tin và tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân là một tài sản vô cùng quý báu, bởi đó chính là minh chứng của sự đồng thuận xã hội. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn nhiều cam go, nếu mỗi người dân đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa thì không khó khăn nào không thể vượt qua, và chiến thắng đại dịch COVID-19 là điều tất yếu!

Mỗi khi đất nước nguy nan, niềm tin và tinh thần đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân là một tài sản vô cùng quý báu, bởi đó chính là minh chứng của sự đồng thuận xã hội. Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn nhiều cam go, nếu mỗi người dân đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa thì không khó khăn nào không thể vượt qua, và chiến thắng đại dịch COVID-19 là điều tất yếu!
Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 2.

Đoàn kết là truyền thống, là bài học quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"… Và truyền thống đó lại càng được bồi đắp hơn từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc, mỗi khi đất nước đứng trước những thách thức mới, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư kêu gọi toàn quốc: Thư kêu gọi khởi nghĩa vào tháng 8/1945; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (17/7/1966) để huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. 

Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng của Người là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc. Đó còn là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ sức mạnh. 

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Dẫn theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Và với sức mạnh đoàn kết đó, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, phải đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh nhưng dưới dự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, con thuyền cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trở về với hiện tại, khi được sống trong một đất nước tự do, bình đẳng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn được bồi đắp lên cao nhất khi chúng ta cùng chung tay chiến đấu với một loại virus được ví như "kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình".

Ngay từ khi xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên (ngày 22/1/2020), Việt Nam đã xác định đây là một dịch bệnh nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến nhiều người, trên phạm vi rộng nên cần phải nêu cao tinh thần: Chống dịch như chống giặc. Sự chủ động đó đã giúp cho Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích. Một trong những giải pháp đã mang lại hiệu quả cao là huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong công tác phòng, chống COVID-19. 

Thật xúc động biết bao, nếu trước đây, ở thời điểm quan trọng nhất của cách mạng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi đồng bào đoàn kết kháng chiến. Ngày nay, trong giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến chống dịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm chiến thắng đại dịch. 

Lời kêu gọi nhấn mạnh: "Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng". 

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, góp sức đẩy lùi dịch bệnh

Lời kêu gọi đó đã chạm đến trái tim của mọi người Việt Nam yêu nước. Bởi trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình này, chúng ta không chỉ chống dịch bằng chủ trương, chính sách mà còn bằng tình thương yêu, cách ứng xử nhân văn giữa con người với con người.

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 5.

Chính lúc này đoàn kết, yêu nước chính là thể hiện ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, tự giác, chung sức đồng lòng vì cái chung và cũng chính là vì sự an toàn của mỗi người. 

Mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là "pháo đài," người dân là "chiến sỹ" trong phòng, chống dịch. Người dân cần hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người, "ai ở đâu thì ở đó," tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần ngăn chặn nguồn lây, sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 6.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, toàn hệ thống chính trị của cả nước cùng đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết để chống dịch. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế đã khởi động các cơ sở y tế phòng, chống dịch tuyến tỉnh; các bệnh viện tuyến trung ương; bệnh viện thuộc ngành công an, quân đội; bệnh viện dã chiến của quân đội chủ động ứng phó, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. 

Bộ Y tế cũng thông tin nhanh, kịp thời về tình hình dịch hàng giờ, hàng ngày. Các địa phương đã tăng cường tuyên truyền để nhân dân không chủ quan, thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý... 

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 7.

Ảnh: KAA

Trên tuyến đầu, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sỹ quân đội không quản khó khăn, nguy hiểm, đi vào những vùng tâm dịch để cứu, chữa cho người dân. Ở cơ sở, lực lượng công an cùng hệ thống chính trị tăng cường chốt chặn kiểm soát vùng dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó là hàng trăm nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19. Không chỉ ở trong nước, đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh.

Trong những ngày TP HCM và các tỉnh phía Nam căng mình chống dịch, chúng ta lại chứng kiến tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước cùng hướng về miền Nam ruột thịt. Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, khi "miền Nam tha thiết gọi, cả nước ta lên đường" thì hôm nay, tiếng gọi ấy lại thôi thúc tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong mỗi người dân. Hơn bốn tháng qua, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ, sinh viên y khoa... đã lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19 với tâm thế "chưa hết dịch chưa về".

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 9.

Có những bác sĩ về hưu, tuổi đã cao vẫn xung phong vào vùng tâm dịch, làm việc bất kể ngày đêm. Đó còn là hình ảnh của các cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ quên ăn quên ngủ, ngày đêm tận lực với công việc; nhiều người không có cơ hội gặp được người thân lần cuối do không thể rời nhiệm vụ. Có những giáo viên mầm non, tiếp viên hàng không đã tự nguyện vào bệnh viện nhiều tháng trời để chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19.

Cũng có rất nhiều người là bệnh nhân F0, sau khi khỏi bệnh đã xung phong ở lại bệnh viên để chăm sóc cho các F0 khác chỉ với lý do đơn giản: để cám ơn những gì mà đội ngũ y tế đã cho họ tái sinh lần nữa và tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân đang ngày đêm giành giật sự sống từ tay tử thần.

Thật sự cảm động biết bao với những "siêu thị 0 đồng", "suất cơm nghĩa tình", rau củ quả của đồng bào dân tộc ít người - dù còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn - vẫn dành cho nhân dân vùng dịch. Hàng trăm tổ chức từ thiện đi khắp các ngõ ngách, khu phố ở thành phố Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa thiết yếu cho dân. Những đoàn xe, đoàn tàu, chuyến bay từ các tỉnh ở miền Bắc, đem theo vật dụng y tế, vaccine kịp thời chi viện cho đồng bào.  

Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. 

Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả mà Việt Nam đã làm được. Người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước trong việc xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Đoàn kết toàn dân tộc và vận dụng trong “cuộc chiến” chống COVID-19 - Ảnh 11.

“Vì một Việt Nam tất thắng” là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi từng mắc hoặc đang điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo. Sự lạc quan, yêu đời, trong các tác phẩm của thí sinh sẽ là món quà ý nghĩa dành cho cộng đồng, đặc biệt là các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, cổ vũ người dân Việt Nam đồng lòng, chung sức chống dịch với niềm tin về "một Việt Nam tất thắng" trước dịch COVID-19

Hiện tại, cuộc chiến chống COVID-19 phía trước còn rất nhiều gian nan và thử thách, với những biến thể có tốc độ lây lan mạnh. Điều đó tiếp tục gây nên những khó khăn rất lớn cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, với tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục được nhân lên và trở thành động lực to lớn để nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Nhất định trong tương lai không xa, đất nước chúng ta sẽ kiểm soát, đẩy lùi và vượt qua dịch bệnh. Đó là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

                                     Thực hiện: Thương Huyền