Doanh nghiệp bán lẻ đầu tư vào kênh online bán hàng Tết thời Covid-19
Phương thức bán hàng online được nhiều công ty thực hiện trong dịp Tết năm nay do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, Tết năm nay, nhiều doanh nghiệp tập trung vào đầu tư cho hình thức bán lẻ trực tuyến, thay vì tổ chức hội chợ hay phiên chợ Tết như mọi năm.
Cũng theo khảo sát của Ipsos, bất chấp dịch Covid-19, ý định chi tiêu cho Tết này của người tiêu dùng Việt Nam có phần cao hơn trong nhóm có thu nhập cao (hơn 23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình), giữ nguyên ở nhóm thu nhập trung bình (hơn 7,5-23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình) và giảm khoảng 15% trong nhóm thu nhập thấp (7,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình trở xuống.
Hơn nữa, việc tặng quà Tết vẫn được người dân duy trì nên việc mua sắm tiêu dùng vẫn tăng mạnh vào dịp Tết.
Ngày nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thói quen của người tiêu dùng đang dần bị thay đổi, mọi người không chỉ đến các cửa hàng để mua đồ vì họ có thể làm điều đó trực tuyến. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ như đồng hành cùng các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến. Ngoài ra, các nền tảng tìm kiếm và đặt chỗ như dịch vụ giao đồ ăn nhanh cũng như dịch vụ thuê nhà, đặt chỗ khám bệnh, online… có thể giúp các doanh nghiệp sàng lọc, tiếp cận khách hàng tiềm năng và nâng cao sự tiện lợi của khách hàng hiện hữu.
Do đó, trên thị trường phân phối, bán lẻ trực tuyến đang lên ngôi. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất hàng tiêu dùng, phương thức bán hàng online được nhiều công ty thực hiện trong dịp Tết năm nay do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Như tại Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), doanh nghiệp này cũng chuẩn bị nhiều hơn các mặt hàng để cung cấp cho thị trường, đồng thời mở thêm một số kênh bán hàng online để hạn chế việc tập trung đông người mua sắm tết. Hàng hóa được giao trong vòng 2 giờ sau khi đặt mua. Vissan còn mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến như: đặt hàng qua hotline 19001960, fanpage facebook, sàn thương mại điện tử SENDO và NOW.
Công ty Sài Gòn Food thì cam kết không tăng giá sản phẩm, thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giới thiệu sản phẩm trên các hệ thống online giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM - Saigon Co.op khuyến khích người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food, Co.op Smile, Cheers... và kênh bán hàng online cũng được chú trọng.
Hay như Công ty TNHH Tân Minh Quang (Bidrico) chuyên sản xuất các loại nước giải khát đóng chai cũng lên phương án để triển khai khâu vận chuyển và giao nhận cho bán hàng online khá chi tiết.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử về doanh thu trong quý IV/2020 là 20%, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt nam ước đạt 12 tỷ USD (khoảng 276 nghìn tỷ đồng) trong năm 2020.
Còn theo số liệu từ Google và Temasek, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á ước đạt 153 tỷ USD vào năm 2025 sau 4 năm tăng trưởng với tốc độ thần tốc ở mức 62%. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã trở thành thị trường lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia.
Để đạt được những con số này là cả một cuộc chiến khốc liệt giữa các sàn thương mại điện tử để giành thị phần trong nước lẫn quốc tế qua hàng loạt khoản đầu tư khổng lồ vào các hoạt động truyền thông và khuyến mãi, đặc biệt là vào các dịp lễ khuyến mãi lớn cuối năm và ngay sau đó là lễ Tết truyền thống đi cùng với đại dịch Covid-19. Điều này đã tác động không nhỏ tới hành vi mua sắm và tiêu dùng của khách hàng. Hiện nay tại Việt Nam, bốn cái tên nổi bật nhất là Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.
Tết là mùa “làm ăn” của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, việc tìm ra hướng đi phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh là rất cần thiết, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân và giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trước mắt.
Thêm vào đó, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, phương thức phân phối hàng hóa được cải thiện hơn rất nhiều theo hướng hiện đại và tối ưu hóa hơn về mặt thời gian cũng như chi phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường vẫn cần có nguồn cung hàng hóa chất lượng hơn, nguồn gốc xuất xứ minh bạch hơn, làm thay đổi cơ cấu mặt hàng cũng như cơ cấu thị trường hàng hóa.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.