Doanh nghiệp bán lẻ tăng tốc mùa mua sắm cuối năm
Dịp cuối năm là thời điểm “vàng” để người dân tập trung mua sắm chuẩn bị Tết. Tận dụng khoảng thời gian này, các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực cung ứng hàng hóa ra thị trường và thực hiện những đợt khuyến mãi lớn, kéo dài ở tất cả các ngành hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên cả nước theo đó cũng đã diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng.
Bộ Công Thương cho biết, từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết…
Dự kiến sức mua sẽ tăng từ 5-10% trong giai đoạn cuối năm 2023. Do đó, các doanh nghiệp lớn như: Saigon Co.op, Aeon, Lotte Mart, Winmart... đã dự trữ số lượng hàng hoá lớn nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, tăng khoảng 10% so với năm trước, đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả ổn định kèm nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.
Chẳng hạn, từ ngày 15/12, AEON Việt Nam bắt đầu giới thiệu các sản phẩm giỏ quà Tết để phục vụ nhu cầu chuẩn bị quà biếu, tặng cho dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Hệ thống siêu thị BigC cũng đồng loạt có những chương trình giảm giá sốc, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, rau quả, đồ ăn… Các chương trình siêu giảm giá đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm tại các siêu thị.
Trong chiến lược mua sắm cuối năm của MM Mega Market còn là chương trình là giới thiệu hàng Tết cho hơn 30.000 khách hàng trọng điểm thuộc nhóm B2B chuyên nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin) bắt đầu từ ngày 14/11 tại MM Bình Phú và sau đó sẽ tiếp tục diễn ra tại 4 trung tâm khác là MM Hưng Lợi, Thăng Long, Đà Nẵng, và Biên Hòa.
Để tăng cường kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phân phối hàng hóa, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp, nhà sản xuất, hiệp hội ngành hàng tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, quảng bá thương hiệu sản phẩm vùng miền, đa dạng hóa kênh bán hàng. Đáng chú ý nhất là việc đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tăng tỷ trọng hàng Việt vào kênh bán lẻ cũng như các chương trình bình ổn thị trường ở khắp các địa phương trên cả nước.
Năm 2023, ngành bán lẻ Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức. Dù tình hình tài chính kinh tế những tháng cuối năm và cho dịp Tết 2024 xuất hiện những dấu hiệu lạc quan hơn, thế nhưng sức mua thực tế chưa cải thiện rõ rệt.
Theo báo cáo của Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mãi hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn, thay vì chỉ tập trung vào một lựa chọn nhất định.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.