Doanh nghiệp bán lẻ truyền thống trong xu thế mua sắm thời số hóa

Kinh doanh
12:40 PM 08/02/2022

Các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống dù vẫn giữ vững được vị thế trên thị trường nhưng họ cũng đang dần đổi mới để thích ứng và giữ chân người tiêu dùng trong xu thế mua sắm thời số hóa.

“Phép thử” cho bán lẻ truyền thống

Khảo sát vừa công bố của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me về xu hướng và hành vi sử dụng ứng dụng di động (mobile app) của người tiêu dùng Việt (được thực hiện từ tháng 11/2021) cho thấy, tỷ lệ người sử dụng các ứng dụng mua sắm và thanh toán trực tuyến đều tăng lên.  

Trong đó, Shopee và Momo là các ứng dụng đứng đầu của những xu hướng này. Ngoài ra, còn có các ứng dụng phổ biến như: Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Facebook Messenger...

Doanh nghiệp bán lẻ truyền thống trong xu thế mua sắm thời số hóa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bán lẻ truyền thống vẫn giữ được vị trí trên thị trường. Ảnh minh họa.

Ngoài những khảo sát trên, một số chuyên gia phân tích nhấn mạnh việc phổ biến sử dụng thiết bị di động đã ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử đều cho rằng thực tiễn cuộc sống, đặc biệt tình huống bất khả kháng từ dịch bệnh COVID-19 vô tình đã thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Đặc biệt, các cửa hàng bán lẻ truyền thống sẽ ngày càng chịu tác động bởi chuyện này khi người tiêu dùng Việt thông qua các thiết bị di động có thể giảm hoặc tăng lượng tìm kiếm các cửa hàng. Điều này dẫn đến việc mua hàng bị trì hoãn nhiều hơn hoặc là mua hàng tại cửa hàng ngay bây giờ. 

Không chỉ vậy, thông qua các thiết bị động, người mua càng có thêm nhiều lựa chọn giữa việc mua sắm trực tuyến hay là đến thực tế mua hàng hoá tại các cửa hàng truyền thống.

Đây chính là những “phép thử” mà các cửa hàng bán lẻ truyền thống cần lưu tâm nhằm có lộ trình nhắm đến những người mua sắm được hỗ trợ bởi thiết bị di động để tăng hiệu quả bán hàng.

Ngoài ra, nhận định gần đây về diện mạo mới của người tiêu dùng Việt, các chuyên gia phân tích của McKinsey & Company cho rằng “công dân thế hệ số” đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, với sự chuyển đổi “số hóa” ở chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa cũng đã và đang mang đến những cơ hội “chuyển mình” rất lớn. Các cửa hàng bán lẻ truyền thống hoàn toàn có thể bắt tay, kết hợp với hệ sinh thái thương mại điện tử để phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

Những doanh nghiệp đầu tư vào ngành bán lẻ truyền thống hoàn toàn có thể dựa vào đó để tạo nên những thời cơ đột phá cho mình.

Tăng tốc đổi mới mô hình

Năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh bán gọn sẽ sớm đi vào thực tiễn. 

Doanh nghiệp bán lẻ truyền thống trong xu thế mua sắm thời số hóa - Ảnh 2.

Các cửa hàng bán lẻ truyền thống hoàn toàn có thể bắt tay, kết hợp với hệ sinh thái thương mại điện tử để phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, đại diện Saigon Co.op cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại hiện đại, các kênh phân phối tiên tiến đối với tiêu thụ hàng Việt, bảo đảm phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới như: online, e-commerce, thanh toán không tiền mặt, thanh toán không tiếp xúc...

Ngoài ra, để chuỗi cung ứng hoạt động nhịp nhàng và chuỗi giá trị hàng Việt thể hiện được vị thế của mình, cần có sự liên kết chặt chẽ theo vùng, có sự phân công chuyên môn hóa giữa các địa phương trong việc phát triển sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt; tránh sự chồng chéo, cục bộ giữa từng địa phương, từng ngành trong phát triển chuỗi giá trị thương hiệu Việt nói chung.

Tương tự Hệ thống MM Mega Market Việt Nam (MM) cũng sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển kênh bán hàng đa kênh. Hệ thống này đang nghiên cứu và hy vọng sẽ sớm đưa vào sử dụng phần mềm Pick & Go.

Mục tiêu của MM từ nay đến năm 2025 là trở thành nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu trong ngành bán lẻ. MM dự kiến mở thêm trung tâm có quy mô nhỏ hơn tại nội thành với mô hình Food service (siêu thị cung cấp thực phẩm); Depot (kho lưu trữ và phân phối) cho các tỉnh phát triển du lịch và mô hình Hybrid Food Service – một địa điểm kết hợp mua sắm tại trung tâm cho khách hàng hộ gia đình đồng thời bán hàng cho khách hàng chuyên nghiệp ở các thành phố du lịch lớn phát triển về dịch vụ lữ hành, nhà hàng, khách sạn.

Trong khi đó, AEON Việt Nam thì tập trung mở thêm nhiều địa điểm kinh doanh với đa dạng mô hình bán lẻ, bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh; chuyển đổi số, đặc biệt tập trung thúc đẩy O2O (Offline – To – Online; tạo giá trị độc đáo bằng ý tưởng mới cho chuỗi cung ứng; phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàngđồng nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động phát triển bền vững vềmôi trường và trách nhiệm xã hội. AEON Việt Nam đặt mục tiêu mở 30 trung tâm mua sắm cho tới năm 2030 cùng các mô hình khác.

Có thể thấy, các nhà bán lẻ đang tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường.

An Mai
Ý kiến của bạn