Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó thời COVID-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:33 PM 28/05/2021

Để vượt qua “bão” COVID-19 lần này và phục hồi mạnh mẽ, bên cạnh việc Chính phủ tiếp tục duy trì những giải pháp tích cực thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động và bản lĩnh vượt qua khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, làn sóng COVID-19 lần thứ tư hết sức nguy hiểm, khi đánh vào hai "động lực" của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua, đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp.

Chỉ trong thời gian chưa được 1 tháng (từ ngày 27/4 đến sáng ngày 28/5) đã có 3.294 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có nhiều ca mắc nhất với số ca đã vượt mốc 1.000 và Bắc Ninh cũng đã vượt qua 500 ca. Bên cạnh đó, trong đợt dịch này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã bị COVID-19 “tấn công” phải phong toả, ngưng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó thời COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Không chỉ “càn quét” trực tiếp, nhiều ngành cũng bị ảnh hưởng gián tiếp. Chẳng hạn như các ngành du lịch, hàng không, đường sắt… đã phải gánh chịu thiệt hại rất lớn, hàng ngàn lao động phải tạm nghỉ việc, thất nghiệp hoặc “ngủ đông” chờ qua cơn dịch để có thể hồi phục trở lại.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Do đó, cần phải có giải pháp thực thi ngay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trước khó khăn của các doanh nghiệp, Chính phủ cùng các bộ, ban ngành đã đưa ra ra các giải pháp tương đối đồng bộ, toàn diện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31 tháng 12 năm 2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9 năm 2020; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước…

Mới đây nhất, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất… nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng còn triển khai kịp thời các gói tín dụng để doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi, phù hợp với từng nhóm ngành sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã thiết kế nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các khách hàng với mong muốn “Không để ai đơn độc trong cuộc chiến chống COVID-19” như đối với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI với lãi suất thấp từ 3,7- 6,5% tùy từng kỳ hạn.

Dù vậy, một số doanh nghiệp cũng vẫn triển khai các kế hoạch kinh doanh của riêng mình để vượt qua khó khăn thời điểm COVID-19.

Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse chia sẻ kinh nghiệm, trong giai đoạn trước khi bùng dịch, lãnh đạo doanh nghiệp đã họp ngay với các cán bộ cấp quản lý để đặt ra những kịch bản cụ thể như phong tỏa trong khu vực hẹp, phong tỏa thành phố, phong tỏa vùng miền.

Ông Phú nhấn mạnh: “Nếu phong tỏa từng phần, Sunhouse sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy. Nhà máy chia ra nhiều nếu một nhà máy bị “dính dịch” thì các nơi khác bù vào. Phải đa kênh, đa dạng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp bình ổn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng cân đối giữa phần vay, phần dự phòng. Đặc biệt, nguồn tiết kiệm chỉ được phép dùng trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hay gặp rủi ro. Với những chiến lược này, kết thúc năm tài chính Sunhouse vẫn tăng trưởng khoảng 15% kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận, sau khi bù đắp tất cả rủi ro”.

Ông Phú tự tin, dịch bệnh bùng phát toàn thế giới, do vậy chúng ta cần sẵn sàng đón nhận rủi ro một cách khôn ngoan. Việc ngăn ngừa dịch bệnh là không thể tuyệt đối và phải chung sống với dịch một cách khôn ngoan.

Đồng quan điểm với Chủ tịch HĐQT Sunhouse, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cũng chia sẻ đưa doanh nghiệp vượt khó vào thời điểm này. Ông Hoan và lãnh đạo công ty đã lập tức kích hoạt hai cơ chế làm việc online và offline ngay khi dịch bùng phát. Công ty lập ra 5 kịch bản kinh doanh ngay khi thị trường phục hồi để có thể đón đầu.

Trả lời phỏng vấn trên VTV, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours chia sẻ: Chúng tôi ưu tiên các giải pháp: Thứ nhất là nâng cao giá trị thương mại trong các khu nghỉ dưỡng của mình. Thứ hai là mở rộng các dịch vụ, những hoạt động thương mại để hấp dẫn du khách nhằm nâng cao mức tiêu dùng của du khách.

Một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 là may mặc, thời trang. Điển hình là Công ty May 10 cũng chịu thiệt hại lớn do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, suốt thời gian xảy ra dịch đến nay, May 10 không sa thải một công nhân nào, đảm bảo việc làm đầy đủ và thu nhập cho người lao động. Để duy trì hoạt động, May 10 vẫn đang tìm các biện pháp để thay đổi, tổ chức lại sản xuất.

“Qua bài học kinh nghiệm sau khủng hoảng, chúng tôi cho rằng để có sự phát triển bền vững thì doanh nghiệp vẫn phải tập trung vào ngành lõi của mình, khai thác tối đa các lĩnh vực. Đối với xuất khẩu, chúng tôi sẽ làm thêm những chủng loại mà khách hàng yêu cầu, những gì mà có thể khai thác tối ưu quản trị sản xuất, ngoài quần áo, chúng tôi đã sản xuất cả túi học sinh, cho đến túi ngủ, túi đựng bút, mũ cho quần áo đồng phục… hiện nay chúng tôi triển khai làm hết”, ông Thân Đức Việt chia sẻ trên VOV.

Trong bối cảnh khó khăn, người lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm bắt được xu thế để gắn quá trình vượt khó, gắn với quá trình phục hồi với xu thế về công nghệ, phải có những phản ứng nhanh, nắm bắt thông tin; linh hoạt trong điều hành doanh nghiệp. Cùng với đó, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, thay đổi để hội nhập về những chuyển biến trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó thời COVID-19 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Ảnh: VnEconomy

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, phát huy nội lực, tái cấu trúc thường xuyên sẽ là giải pháp để các doanh nghiệp thích ứng với biến động của thị trường và hồi phục bền vững nhất.

Và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang cần một liều “vắc xin”, đó là quản trị doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng quản trị minh bạch, có khả năng chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh, phải kiên cường để chống đỡ được những tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 19/5/2020 của Chính phủ.

T. Nhung
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024 Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.