Doanh nghiệp bảo hiểm ước chi hơn 14,2 tỷ đồng cho vụ lật tàu Vịnh Xanh 58

Doanh nghiệp
11:07 AM 23/07/2025

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đến 11h ngày 22/7, tổng số tiền bồi thường và chi trả bảo hiểm cho vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ước đạt 14,27 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tính đến 11h00 ngày 22/7, tổng số tiền bồi thường và chi trả bảo hiểm liên quan đến thiệt hại về người và tài sản trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 ước khoảng 14,27 tỷ đồng.

Trong số này, các khoản bồi thường và chi trả bảo hiểm được chia thành hai nhóm chính: bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ.

Bảo hiểm phi nhân thọ chiếm khoảng 29,4% tổng số, với số tiền dự kiến 4,2 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách và bảo hiểm tai nạn thuyền viên (Bảo Long): 1,2 tỷ đồng. Bảo hiểm tai nạn hành khách (do Bảo Việt đồng bảo hiểm với PTI, MIC và BSH): 2 tỷ đồng; Bảo hiểm tín dụng (AAA): 1 tỷ đồng; Bảo hiểm nhân thọ chiếm phần lớn với 10,07 tỷ đồng, tương đương khoảng 70,6% tổng số chi trả.

Cụ thể: Bảo Việt Nhân thọ: 2 tỷ đồng; Generali: 4,2 tỷ đồng; Manulife: 3,02 tỷ đồng; Dai-ichi Life: 0,7 tỷ đồng; Prudential: 0,1 tỷ đồng; AIA: 0,05 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm ước chi hơn 14,2 tỷ đồng cho vụ lật tàu Vịnh Xanh 58- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ

Như vậy, tổng cộng 14,27 tỷ đồng dự kiến sẽ được chi trả cho các nạn nhân và gia đình bị thiệt hại. Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động liên hệ với gia đình các nạn nhân để thực hiện quy trình bồi thường và chi trả theo hợp đồng. Tuy nhiên, phần lớn các gia đình chưa thể hoàn thiện thủ tục nhận quyền lợi bảo hiểm vì nhiều người còn đang điều trị thương tật hoặc lo mai táng. 

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục rà soát thông tin khách hàng, đồng thời khẳng định sẽ thực hiện chi trả bồi thường ngay khi có đủ hồ sơ và căn cứ pháp lý phù hợp.

Trước đó, ngày 21/7, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có Công văn số 896/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, yêu cầu chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để xác định thiệt hại, thực hiện tạm ứng và chi trả bồi thường, trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm và người thụ hưởng theo hợp đồng và quy định pháp luật. Đồng thời, Cục đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật hiện hành.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa

Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.