Doanh nghiệp bất động sản ảnh hưởng ra sao bởi dịch Covid 19?
Thị trường bất động sản đang trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn khi nguồn cung nhà ở và lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, kinh doanh “bết bát”, thậm chí có đến 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa…
Doanh nghiệp hoạt động “cầm chừng”, sàn giao dịch đóng cửa
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Thị trường bất động sản đang trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn khi nguồn cung nhà ở và lượng giao dịch sụt giảm, tình trạng kinh doanh của các doanh nghiệp “tụt dốc” thảm hại.
Theo báo cáo thị trường BĐS Việt Nam quý I/2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đối với phân khúc BĐS nhà ở, trong quý I/2020, tổng lượng căn hộ chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm; lượng giao dịch đạt 7.641 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%. Trong đó, riêng lượng cung mới chào bán là 18.695 sản phẩm và lượng giao dịch đạt 2.769 sản phẩm (chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Mặt khác, báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2020 của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới. Tuy nhiên, tiến độ và khối lượng công việc thực hiện bị ảnh hưởng lớn do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, lượng giao dịch bất động sản trên thị trường sụt giảm mạnh, trong quý chỉ có 13.042 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý 4/2019), 2.816 giao dịch thành công (bằng 55% quý 4/2019).
Thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn cung nhà ở và lượng giao dịch sụt giảm mạnh.
Lượng giao dịch này chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến thời điểm tháng 4/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
Bên cạnh nguồn cung hạn chế, giao dịch trầm lắng…, biến động chỉ số giá nhà ở và một số loại BĐS tại một số đô thị lớn vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02%. Trong đó, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%; đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82%, riêng phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%.
Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019. Còn đối với BĐS công nghiệp, giá vẫn tăng trung bình 6,2%; giá BĐS du lịch vẫn không thay đổi so với năm 2019.
Đáng chú ý, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số sàn giao dịch bất động sản đóng cửa, tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch. Nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp BĐS chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ…
Ngoài ra, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2020 đã có 800 sàn giao dịch bất động sản trên tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trên cả nước ngừng hoạt động.
Một thống kê khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong quý I/2020 chỉ có hơn 1.350 doanh nghiệp BĐS thành lập mới, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Có gần 500 doanh nghiệp BĐS ngừng kinh doanh, tăng 94% so với cùng kỳ; có hơn 200 doanh nghiệp BĐS phá sản, tăng 69% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng này là do dịch Covid-19 khiến các sàn không thể bán được hàng, trong khi vẫn phải duy trì bộ máy đội ngũ nhân sự bán hàng, trả lãi ngân hàng, bị phạt vi phạm tiến độ bán hàng, trả tiền quảng cáo tiếp thị, trả tiền mặt bằng kinh doanh. Có thể thấy, dịch bệnh đã làm cho cả nền kinh tế bị đình trệ, hàng loạt sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa, môi giới bất động sản nghỉ việc, thất nghiệp….
Kinh doanh “bết bát”
Dưới sự tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh những tháng đầu năm 2020, thậm chí có trường hợp lợi nhuận doanh nghiệp giảm gần 99% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ: Dịch Covid-19 đã khiến hầu hết ngành nghề kinh doanh điêu đứng, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Thực tế, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai bán hàng, cùng với đó là tâm lý lo ngại dịch Covid-19 của khách hàng. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp BĐS phải hoạt động trong tình trạng cầm chừng hoặc tạm ngưng khiến kết quả kinh doanh “bết bát”, lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Điển hình như CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC), báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của FLC đã cho thấy một bức tranh kinh doanh u ám. Quý I/2020 FLC đạt 4.768 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng mạnh tới 115% khiến lợi nhuận gộp của FLC âm tới 1.448 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Tập đoàn lỗ sau thuế gần 1.892 tỷ đồng.
Giải trình nguyên nhân thua lỗ, FLC cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 552 tỷ đồng trong khi quý I/2019 là 194 tỷ đồng.
Tương tự, tại CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG), với tình trạng khó khăn chung của toàn nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp bất động sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của doanh nghiệp này cũng cho thấy tình trạng kinh doanh lao dốc thảm hại.
Quý I/2020 Đất Xanh đạt 602 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 60% so với cùng kỳ năm 2019, do doanh thu từ bán căn hộ và đất nền giảm mạnh tới 97% còn gần 23 tỷ đồng.
Số liệu kinh doanh quý I của DXG (Nguồn: HK tổng hợp từ báo cáo tài chính)
Quý I/2019, nguồn thu từ bán căn hộ và đất nền của Đất Xanh đóng góp hơn nửa vào tổng doanh thu, còn quý I/2020 nguồn thu chính lại đến từ môi giới bất động sản với tỷ lệ 69% trong cơ cấu. Tuy nhiên doanh thu môi giới bất động sản cũng bị giảm 16% so với cùng kỳ.
Doanh thu lao dốc, không còn khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết cùng với mất đi khoản lợi nhuận khác khiến lợi nhuận sau thuế của Đất Xanh giảm 78% chỉ còn 94 tỷ đồng.
Với kết quả trên, lợi nhuận quý I/2020 của Đất Xanh ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý III/2017 đến nay.
Hay tại CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand - Mã: CRE), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của doanh nghiệp này, doanh thu quý I giảm mạnh, chủ yếu cho nguồn thu từ môi giới bất động sản giảm 30% so với quý I/2019 còn 221 tỷ đồng. Đây cũng chính là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và chiếm khoảng 80% trong tổng doanh thu.
Bên cạnh đó doanh thu mảng đầu tư bất động sản thứ cấp cũng giảm 11% và đóng góp khoảng 17% vào cơ cấu doanh thu. Kết quả kinh doanh quý I của CenLand sụt mạnh diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ đầu tháng 2 tới nay và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.
Lợi nhuận sụt giảm thê thảm nhất trong giai đoạn đại dịch phải kể đến Công ty CP Đầu tư LDG (LDG). Trong quý I/2020, doanh thu thuần của LDG chỉ đạt 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 313 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của LDG chỉ gần 1,4 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng 1,1% so với số lãi 120 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về tình hình thị trường BĐS quý 1/2020, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường gần như “đóng băng”. Giao dịch nhà đất giảm 70%, doanh thu của các doanh nghiệp giảm khoảng 80%, thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Ông Châu cho rằng, cả doanh nghiệp BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Người mua nhà bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, dẫn đến có khoảng 10% người mua nhà phải thanh lý hợp đồng. Điều này càng tạo thêm áp lực lên doanh nghiệp BĐS, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn phải duy trì lượng lao động để chờ qua mùa dịch.
(Bài tiếp theo: Doanh nghiệp địa ốc và những kế sách vượt qua bão Covid-19)
Hải Lan
Đó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.