Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chịu sức ép lớn trước khối lượng trái phiếu đáo hạn tăng mạnh trong năm 2024. Nếu không thể cải thiện dòng tiền, một số doanh nghiệp thậm chí có thể đối mặt mới nguy cơ vỡ nợ.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ 4/10 đến cuối năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 78.878 tỷ đồng. Trong đó, có 43,5% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 34.317 tỷ đồng.
Giới phân tích cho rằng, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV năm nay. Theo đó, hoạt động phát hành và mua lại trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động. Mặt bằng lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Lãi suất của nhóm ngân hàng có thể tăng nhẹ khi đã chạm đáy và lãi suất huy động đã tăng trở lại.
Vì vậy, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng.
Trong báo cáo vừa phát hành, Chứng khoán KIS nhận định trong 3 năm trở lại đây, tình hình có phần tiêu cực hơn khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều khó triển khai dự án trong năm 2024. Điều này khiến triển vọng kinh doanh của nhóm bất động sản xấu đi rất nhiều. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để đáo hạn.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đáo hạn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng một phần dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, chuyển hướng sang thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ.
Áp lực này đặc biệt lớn trong tháng 12/2024 khi giá trị trái phiếu đáo hạn dự kiến lên đến 93.000 tỷ đồng, tạo ra áp lực đáng kể cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.
Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi áp lực từ việc đáo hạn trái phiếu tác động mạnh lên tâm lý nhà đầu tư. Với tình hình triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản không mấy sáng sủa trong năm 2024, khả năng huy động vốn để đáo hạn trái phiếu trở nên khó khăn hơn, khiến nhà đầu tư thận trọng hơn với cổ phiếu ngành này. Điều đó có thể kéo theo sự suy giảm về giá trị của các cổ phiếu bất động sản, gây áp lực giảm lên toàn thị trường.
Tại Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững", ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, để giải quyết bài toán trái phiếu đến hạn, việc hỗ trợ xung quanh cũng rất quan trọng và một trong số đó là làm "sạch" pháp lý cho các dự án bất động sản, tăng thanh khoản cho thị trường.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, việc phát triển, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo kênh huy động vốn bền vững cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường TPDN, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin, dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo... Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn, quan tâm quản lý rủi ro, chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.