Doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng rất khó, tài sản không bán được
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay đang trong tình trạng khó khăn, các doanh nghiệp BĐS thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản, tài sản lớn nhưng không bán được.
Năm khó khăn khắc nghiệt với thị trường BĐS
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" ngày 17/2, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, các doanh nghiệp đã tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán, đình, hoãn các dự án, dừng triển khai xây dựng, ngừng kinh doanh.
Ông Châu đánh giá, quy mô nền kinh tế nước ta năm 2022 ước khoảng 409 tỷ USD tăng hơn 10 lần so với năm 2000; GDP đầu người lên đến 4.100 USD tăng 17 lần so với năm 1986; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay, tăng 9,5% so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng bằng 127,8%, tăng 15% so với năm 2021.
"Hiệp hội nhận thấy, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, có thể nói năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất (có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021) và năm 2023 là năm có tính "quyết định sống còn" đối với các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng "chết trên đống tài sản" nên đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được người mua; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50-70% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không "lo" được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Qúy Mão vừa qua", ông Châu nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong số 3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng thì có đến 70% là tín dụng tiêu dùng BĐS, tức là cá nhân, hộ gia đình vay để xây, sửa và mua nhà chứ không phải là doanh nghiệp. Nếu như vậy thì lượng tín dụng cung ứng cho các doanh nghiệp BĐS tại TPHCM chỉ chiếm có 30%, chưa đến 1/3 cho nên doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng rất khó.
"Chúng tôi đánh giá rất cao và tin tưởng, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nói câu "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", tức là phải công bằng về lợi ích", ông Châu cho biết.
Gỡ vướng pháp lý và tiếp cận nguồn vốn là 2 nút thắt cơ bản cần tháo gỡ
Theo vị đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM, có 2 vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay:
Thứ nhất là vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn.
Thứ 2 là về tiếp cận nguồn vốn. Tiếp cận nguồn vốn thì có 4 nguồn lớn (nguồn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, từ thị trường chứng khoán, từ huy động của ngân hàng). Nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn huy động của ngân hàng là nguồn vốn kịp thời đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Ông Châu kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép "nới tiêu chí" nhưng không phải là "hạ chuẩn tín dụng" để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ, được "khoanh nợ xấu" đối với một số khoản nợ "nhóm 2, nhóm 3" để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc
Chỉ cho vay đối với những dự án để điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, dự án có điều kiện pháp lý, dự án có tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ.
Đề nghị sớm ban hành Nghị định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó gia hạn phù hợp thời hạn trái phiếu, rà soát, sửa đổi các nghị định khác chưa phù hợp.
Ông Châu nêu các giải pháp tháo gỡ "vướng mắc về pháp lý" liên quan đến việc ban hành 4 Nghị định có tác động trực tiếp nhất đến thị trường BĐS: Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đất đai; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghị định về quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án bất động sản, nhà ở, đô thị.
"Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại khẩn trương ban hành Quyết định quy định chi tiết thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP để xử lý diện tích đất công nằm "xen kẽ" trong dự án nhà ở thương mại để chủ đầu tư có căn cứ pháp luật tiếp tục thực hiện dự án và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước", ông Châu nhấn mạnh.
Nhật HàBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.