Doanh nghiệp bất động sản trong xu hướng chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"

Nhịp cầu BĐS
11:16 AM 09/04/2023

Phát triển bền vững là một trong những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay. Ngành Bất động sản không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh".

Bất động sản được xem là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, gắn kết chặt với các ngành tài chính tiền tệ, xây dựng, vật liệu xây dựng và thị trường lao động… Thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bền vững ở Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triền bền vững kinh tế - xã hội, tạo ra sức hút các nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Doanh nghiệp bất động sản trong xu hướng chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"  - Ảnh 1.

Theo khảo sát của Vietnam Report trong 2 năm 2022-2023, số lượng doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận tỷ suất sinh lợi thấp hơn để đổi lấy lợi ích xã hội, môi trường tăng từ 64,3% lên 85,7%. 79,3% doanh nghiệp bất động sản đặt chiến lược phát triển bền vững nằm trong trọng tâm kinh doanh năm 2023, trong khi con số này chỉ là 58,6% vào năm 2022. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đối với các vấn đề chung của toàn xã hội.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc các doanh nghiệp chủ động gia tăng các chiến lược liên quan đến bền vững là một trong những cách thức ghi điểm trong mắt nhà đầu tư, thu hút dòng vốn xanh từ thị trường thế giới.

Theo khảo sát của Vietnam Report, hành động Giảm thiểu lãng phí có sự tăng lên mạnh mẽ so với năm 2022 (+18,8%). Giảm thiểu lãng phí là việc quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản, nhân lực, thời gian và tài nguyên một cách hiệu quả, hạn chế các hoạt động không tạo ra thêm giá trị cho chuỗi cung ứng. 

Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, thanh khoản vậy nên nếu có thể giảm thiểu lãng phí sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được nguồn lực cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp mình. Trong dài hạn, hành động này cũng sẽ giúp ích lớn trong việc bảo tồn tài nguyên, năng lượng cho môi trường, xã hội khi nguồn năng lượng, tài nguyên trên trái đất đang dần cạn kiệt. 

Trong hệ sinh thái Bất động sản - Xây dựng - Vật liệu xây dựng, Bất động sản là ngành "đứng giữa" người tiêu dùng và bên sản xuất. Vậy nên, phát triển bất động sản bền vững thành công phải có sự chung tay góp sức của cả người tiêu dùng và bên sản xuất. 

Hiện nay, nhu cầu của người mua nhà đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước. Nếu như trước đây người dân đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư, đi lại thuận tiện, thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở và môi trường sống xanh. 

Doanh nghiệp bất động sản trong xu hướng chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp bất động sản trong xu hướng chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh"

Tuy nhiên, nguồn cung của những dự án công trình xanh vẫn còn nhiều hạn chế do chi phí đầu tư cao và đòi hỏi nghiêm ngặt. Để đạt chứng chỉ xanh LEED, LOTUS hay EDGE, các chủ đầu tư sẽ phải chứng minh công trình của mình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước ở mức cho phép. Để đạt được điều này, cần sự chung tay của các đối tác xây dựng và vật liệu xây dựng. Vậy nên có đến 39,0% doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng cường thúc đẩy các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững để có thể dung hòa giữa nhu cầu của người mua và đối tác xây dựng. 

Trên tiến trình phát triển bền vững của doanh nghiệp luôn có "người bạn đồng hành" là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. Đây là nhân tố sẽ thúc đẩy quá trình "xanh" hóa của doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp bất động sản có sự tăng nhẹ so với năm 2022, từ 3,70 lên 3,75 điểm trên thang điểm 5, dần tiệm cận với mức ứng dụng cao. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản sử dụng Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và Phân tích và khai thác hệ thống khách hàng qua hệ thống BI (Business Intelligence) đều tăng mạnh xấp xỉ 1,2 điểm. 

Có thể thấy, ngay trong bối cảnh khó khăn và thách thức, các doanh nghiệp luôn tìm ra hướng đi, quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi linh hoạt chiến lược kinh doanh, tiệm cận những chuẩn mực công nghệ và xu hướng mới của thị trường để tạo ra đột phá tăng trưởng trong chu kỳ kinh tế mới, qua đó càng khẳng định vị thế và uy tín của mình.

Thanh Thuỷ
Ý kiến của bạn