Doanh nghiệp BĐS Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Địa phương
07:27 PM 06/03/2024

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã có những ý kiến đề xuất lãnh đạo tỉnh Quảng Nam liên quan giải phóng mặt bằng, gia hạn tiến độ, thủ tục pháp lý, điều chỉnh 1/500… nhằm giúp các dự án tháo gỡ khó khăn.

Chiều ngày 5/3, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam để nắm bắt tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định, cuộc gặp gỡ của Thường trực Tỉnh ủy là bước đầu tiên lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp BĐS Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nắm bắt khó khăn từ phía doanh nghiệp

Từng sở ngành liên quan phải nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, phân tích hướng tháo gỡ, báo cáo UBND tỉnh để UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy trước hội nghị chuyên đề sắp tới cùng bàn bạc hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư vào Quảng Nam, nếu chỗ nào quá khó khăn, hoặc gây khó thì doanh nghiệp có thể phản ánh đến lãnh đạo tỉnh để luôn lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp trong các hoạt động.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam kiến nghị đến Thường trực Tỉnh ủy những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một trong những nhóm nội dung được quan tâm liên quan tình hình triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Do nhiều vướng mắc về pháp lý, giải phóng mặt bằng… dẫn đến tình trạng nhiều dự án vẫn chưa có sổ, gây tình trạng khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm qua.

Đối với khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất tỉnh tăng giá bồi thường nhà cửa, kiến trúc, hoa màu… cũng như triển khai thủ tục cưỡng chế thu hồi đất quyết liệt với trường hợp không đồng ý nhận tiền bồi thường.

Doanh nghiệp BĐS Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn- Ảnh 2.

Đại diện Hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam chia sẻ những đề xuất với nhóm doanh nghiệp bất động sản

Với những dự án vướng mắc gia hạn tiến độ thực hiện đầu tư dự án, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng nếu căn cứ điều 44 Luật Đầu tư 61/2020/QH14: "Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư"; nên doanh nghiệp đề nghị không đưa tiến độ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng vào văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc chủ đầu tư không phải cam kết thời gian hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong Bản cam kết thực hiện tiến độ dự án và phụ lục cam kết tiến độ.

Hiện nay, đa số các dự án được triển khai đều đã được giao đất từng đợt, nhiều lần và đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và khó khăn trong khâu GPMB nên việc GPMB toàn bộ 100% để giao đất một lần là không khả thi. Đối với các dự án này, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh cho tiếp tục thực hiện thủ tục bàn giao mặt bằng, trình và thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất từng đợt để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngay trong việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cũng có nhiều bất cập xảy ra nên cộng đồng doanh nghiệp đề xuất UBND tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo block và giải quyết thủ tục tách thửa đến 100% diện tích đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Nhà đầu tư sẽ có thư bảo lãnh của ngân hàng (bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang) với phần diện tích khoảng 5% diện tích đất ở để bảo lãnh cho việc quyết toán và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Nên cho phép hoãn ký quỹ và được phép đưa vào Kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo đối với dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do Nhà nước chậm giao đất không phải lỗi của chủ đầu tư. Hiện nay có một số dự án đang triển khai nhưng chưa được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 nên không thể thực hiện các thủ tục về đất đai. Hội doanh nghiệp tỉnh mong UBND tỉnh có hướng dẫn, giải pháp cụ thể để tháo gỡ hoặc giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, quy trình bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

Đối với các dự án điều chỉnh quy hoạch 1/500 cũng theo hướng: chỉnh trang hoặc loại ra khỏi quy hoạch khi gặp khó khăn về GPMB. Phân kỳ hai giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 là phạm vi chủ yếu về đất nông nghiệp đấu nối hạ tầng để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có quỹ đất tái định cư. Giai đoạn hai là phần còn lại gồm cả đất và nhà ở….

Nguyễn Tuấn
Ý kiến của bạn