Doanh nghiệp cam kết lộ trình giảm giá lợn hơi từ 1/4
Từ 1/4, doanh nghiệp sẽ đưa giá từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 và lộ trình đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 đến 60.000 đồng/kg.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị doanh nghiệp đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 tới đây.
15/15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi tham dự cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng thuận cho biết sẽ đưa giá lợn xuất tại cửa chuồng về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 tới đây.
Giá cao do đâu?
Đánh giá việc đồng thuận giảm giá lợn hơi của các doanh nghiệp lần này, Phó Thủ tướng khẳng định, đây không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn là trách nhiệm chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân.
"Trong đại dịch COVID-19, nhiều người dân mất việc làm, lại phải mua giá thịt lợn cao thì đời sống khó khăn. Đa số người trong số họ lại là người làm công ăn lương", Phó Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn ở mức cao, đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, từ giữa tháng 3/2020 đến nay, giá lợn hơi đã có chiều hướng giảm xuống.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2019 tổng đàn lợn trung bình giảm 11,5% so với năm 2018, tổng số lượng xuất chuồng giảm 20,1% so với năm 2018.
"Trong quý I/2020, dự tính tổng thịt lợn trong nước cung ứng ra thị trường giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019. Tổng đàn lợn của cả nước hết tháng 2/2020 đạt 22,5 triệu con, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ và cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến giá lợn bị đẩy lên cao trong thời gian qua.
Đồng tình với nhận định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, từ cuối năm 2019 đến nay giá thịt lợn hơi tăng quá cao. Hiện nay, mức giá trung bình khoảng 82.000-83.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí có nơi 85.000 đồng/kg.
"Việc tăng giá vừa qua là do nguồn cung, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dù đang tái đàn nhưng chưa đáp ứng được nên giá tăng, đây là nguyên nhân chính", Phó Thủ tướng khẳng định.
Cùng với đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá lợn xuất chuồng tại cổng trại của các doanh nghiệp dù ở mức 70.000 đồng/kg, nhưng khi bán ra ngoài thì giá có thể cao hơn 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, thịt bán tại các chợ, cửa hàng vẫn ở mức cao từ 120.000 -150.000 đồng/kg.
Lý giải về việc doanh nghiệp bán 70.000 đồng/kg thịt lợn hơi nhưng ra thị trường thì đội lên 75.000-83.000 đồng/kg, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, là do các thương lái phải chi phí cho công vận chuyển, rồi hao hụt… Tính ra, bình quân họ phải bỏ ra chi phí từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Thúc đẩy tái đàn bù đắp nguồn cung
Được biết, để bù đắp nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, các bộ ngành đang tập trung thúc đẩy tái đàn và tăng lượng thịt nhập khẩu. Theo đó, tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65% và Liên bang Nga 2,62%.
Cùng với đó, các giải pháp nhằm đẩy mạnh tái đàn lợn gắn với an toàn sinh học và kết nối nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này. Bộ NN&PTNT đã đưa ra 2 giải pháp chính để giám giá lợn thời gian tới.
Thứ nhất, kiểm soát, khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) làm nền tảng đẩy mạnh tái đàn lợn gắn với an toàn sinh học. Được biết, tổng đàn lợn của các địa phương này là 1,95 triệu con.
Với cơ sở vật chất sẵn có và năng lực sản xuất thức ăn, chăn nuôi an toàn sinh học… từ tháng 01/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn; đầu tháng 3/2020 tổng đàn lợn đạt gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019); tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%.
Dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn năm nay phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn; trong quý I đạt 811 nghìn tấn; quý II đạt 950 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn và quý IV là 1,083 triệu tấn. Như vậy, đến cuối quý 2, đầu quý III nguồn cung từ chăn nuôi đã đáp ứng được khoảng trên dưới 90% nhu cầu thịt lợn, đến cuối quý III và quý IV sẽ đáp ứng đủ nhu cầu như mức cao nhất tháng 12/2018 trước khi DTLCP bùng phát.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa đảm bảo nguồn cung, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.
Cơ quan nông nghiệp đề nghị từ 1/4, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tiến tới giá thấp hơn, ở mức phù hợp khi sản lượng lợn đạt mức cao như trước khi xảy ra dịch vào những quý cuối năm 2019.
Đồng thời, tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại; tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tổ chức kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường, không để xẩy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.