Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết để giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Diễn đàn
04:31 PM 21/03/2022

Giữa bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine ngày càng gay gắt, nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn... doanh nghiệp cần tự chủ, đa dạng nguồn cung nguyên liệu, lường trước các rủi ro...

Gặp khó trong nhập khẩu nguyên liệu 

Tại Việt Nam, nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng trong nước vốn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng cùng chung nỗi lo từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. 

Điển hình là các doanh nghiệp sản xuất gỗ. Bên cạnh dịch COVID-19 kéo dài gây thiếu hụt lao động thì xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra đẩy giá xăng dầu lên cao, tác động đến chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt, giá nguyên liệu gỗ đã, đang và sẽ còn tiếp tục tăng cao đang khiến các DN chế biến gỗ xuất khẩu hết sức "đau đầu".

Doanh nghiệp sản xuất gỗ "đau đầu" khi giá nguyên liệu gỗ tăng cao. Ảnh: VnEconomy

Doanh nghiệp sản xuất gỗ "đau đầu" khi giá nguyên liệu gỗ tăng cao. Ảnh: VnEconomy

Cụ thể, giá nguyên liệu gỗ trong năm ngoái đã tăng khoảng 20%. Từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng thêm 20%, như vậy chỉ hơn 1 năm mà giá nguyên liệu gỗ đã tăng 40% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngoài ra, tại thị trường nhập khẩu nguyên liệu từ Nga, tuy gỗ nhập khẩu từ Nga không lớn nhưng đây là nguồn nguyên liệu khá quan trọng đối với DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, như gỗ bạch dương, gỗ xoài, gỗ ván ép, gỗ bốc lạng mỏng, gỗ thông... Các DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu gỗ cứng như gỗ xoài từ Ukraine. Cả 2 thị trường này bị "tắc" nên ảnh hưởng không nhỏ đến DN trong nước.

Hay như lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì vậy chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, trong khi năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế.

Dự kiến giá nguyên liệu vẫn tăng đến hết năm 2022. Thực tế, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8/2022 đã tăng, giá ngô tăng lên 11.000 đồng/kg và giá khô gầu đậu tương tăng lên 17.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam. Điều này  ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.

Với ngành thép, các DN muốn sản xuất thép thì phải dùng năng lượng nhiều, nên giá xăng dầu leo thang thì giá thành cũng tăng cao. Và nếu Việt Nam tiếp tục nhập ròng thép thì ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột lần này sẽ càng nhiều hơn.

Theo ước tính hiện nay, mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 1 tỷ USD để nhập sắt thép. Riêng 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu sắt thép đã vượt 2,1 tỷ USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Do căng thẳng Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiều loại nguyên liệu, trong đó có giá sắt thép tăng rất mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 5,4%.

Tăng liên kết để tự chủ nguồn nguyên liệu

Để gỡ thế khó cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu trước những bất trắc như hiện nay, giới chuyên gia nhấn mạnh việc làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước đối với các DN Việt là điều rất quan trọng. 

Bản thân các DN Việt cũng phải nâng cao sự chủ động bằng cách có được những đánh giá, dự đoán tốt nhất nhằm lường trước các rủi ro về nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu không có điều này thì rủi ro của các DN chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa và năng lực cạnh tranh sẽ bị giảm đi nhiều.

Các DN vừa tăng cường liên kết lẫn nhau, vừa đồng hành với chính quyền trong chủ động nguồn nguyên liệu. Ảnh: TTXVN

Các DN vừa tăng cường liên kết lẫn nhau, vừa đồng hành với chính quyền trong chủ động nguồn nguyên liệu. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, với ngành gỗ, để không bị thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu, các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm kiếm từ nhiều thị trường khác. DN có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu từ Úc, New Zealand, Brazil, Chile... cũng là những thị trường khả thi giúp DN mua nguyên liệu gỗ thay thế với mức giá tốt hơn.

Đồng thời, để DN chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hoạt động ổn định và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các DN rất cần sự hỗ trợ về chính sách kịp thời.

Còn với ngành thép, trước sức ép giá nhập khẩu tăng cao thì biện pháp lâu dài và khả dĩ nhất để bình ổn thị trường thép là Chính phủ cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các DN sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu qua đó hạn chế sự tăng giá thép.

Hay như với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để "hạ nhiệt" thì nhất thiết phải phát triển mạnh nguồn nguyên liệu trong nước nhằm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi trong giá thành chăn nuôi là một trong những giải pháp quan trọng lúc này. Giải pháp sắp tới là sử dụng nguyên liệu của các địa phương; chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Công ty TNHH DeHeus và các tỉnh thành phố ở khu vực Tây Nguyên thành lập các hợp tác xã tập trung chủ yếu vào trồng sắn và ngô với sự tham gia của các doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ để chủ động nguồn nguyên liệu, giảm áp lực từ nhập khẩu.

Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và khủng hoảng do xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra, nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) và địa phương đã nỗ lực kết nối tạo điều kiện để các DN vừa tăng cường liên kết lẫn nhau, vừa đồng hành với chính quyền trong phòng chống dịch, xây dựng phương án sản xuất an toàn, vừa chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.

Đặc biệt, nhiều DN đã chủ động cắt giảm chi phí, nghiên cứu nhận diện xu thế, định vị đối tác, thị trường, chuyển hướng thiết lập các chuỗi cung ứng nội địa. Sử dụng nguyên liệu trong nước để cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển và đảm bảo có nguyên liệu sản xuất liên tục. Bên cạnh đó, DN cũng tiếp tục đổi mới sản phẩm, thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm tiêu hao nguyên phụ liệu để tiết kiệm chi phí…

An Mai
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.