Doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng

Chính sách
03:04 PM 16/12/2024

Mới đây, BHXH Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng trên Cổng TTĐT BHXH Thành phố. Ông Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Khách mời tham gia Chương trình là đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của BHXH thành phố Hà Nội: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ, Thẻ, Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH, Ông Chu Quang Dũng - Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, Bà Lê Thị Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Truyền thông.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc BHXH thành phố cho biết, BHXH TP Hà Nội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật để NLĐ chủ động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, BHXH TP thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của NLĐ như chế độ BHXH, BHYT, BHTN, qua đó phát hiện những vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Định - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cùng bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ, Thẻ; bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH; ông Chu Quang Dũng - Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra; bà Lê Thị Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Truyền thông tại buổi giao lưu.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ làm tại doanh nghiệp từ 1 tháng trở nên thì chủ doanh nghiệp phải tham gia BHXH cho NLĐ. Nếu phát hiện chủ doanh nghiệp không tham gia BHXH cho mình, NLĐ cần phối hợp với tổ chức Công đoàn kiến nghị cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi.

Thời gian qua, BHXH TP đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến vấn đề giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN trong đơn vị chậm đóng BHXH. Đây cũng là vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm. Thông qua việc tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN - Quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng", BHXH thành phố Hà Nội không chỉ trực tiếp lắng nghe và giải đáp một cách kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người dân, NLĐ và DN, mà còn giúp tăng cường năng lực quản lý, điều hành của cơ quan BHXH. Từ đó, hỗ trợ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thuận tiện, kịp thời.

Trong thời gian giao lưu, đại diện các phòng nghiệp vụ sẽ tiếp nhận và trả lời các câu hỏi của độc giả liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Sau thời gian tiếp nhận, các câu hỏi còn lại sẽ được BTC chuyển đến cho các đơn vị chức năng trả lời trong thời gian sớm nhất.

Câu 1: Bạn đọc có địa chỉ email: thuxuannguyenxxx@gmail.com hỏi: Công ty tôi hiện tại do tình hình khó khăn nên đang chậm đóng BHXH 2 tháng nhưng tôi bị gãy tay vào viện vào ngày 13/11 và có giấy ra viện vào 20/11 thì không biết có được cơ quan BHXH giải quyết chế độ ốm đau không?

Chuyên gia Trần Thị Thu Hà trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Trường hợp của bạn nếu đang đóng BHXH mà bị tai nạn gãy tay mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế và trường hợp tai nạn của bạn không phải do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì bạn sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Căn cứ tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Để đảm bảo quyền lợi của bạn trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, bạn đề nghị công ty thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP nêu trên, đóng đủ BHXH để bạn đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH theo quy định.

Câu 2: Bạn đọc có email theanh86xx@gmail.com hỏi: Tôi được tăng lương từ tháng 8/2024 đến nay công ty vẫn chưa làm điều chỉnh lương đóng BHXH cho tôi. Vậy, khi công ty làm hồ sơ báo tăng lương đóng BHXH cho tôi thì có bị tính lãi không?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ điểm 1.3 Khoản 1 Điều 38 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam hướng dẫn truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN quy định: "Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng".

Như vậy, công ty bạn có thể lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH nơi công ty đang tham gia đóng BHXH đề nghị truy thu điều chỉnh tăng lương cho nhân viên. Trường hợp đơn vị báo điều chỉnh tăng lương muộn ngoài việc đơn vị phải đóng bù số tiền chênh lệch lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN còn phải đóng tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

Câu 3: Bạn đọc có địa chỉ mail hong12xx@gmail.com hỏi: Công ty tôi nhận được quyết định kiểm tra đột xuất do đơn vị chậm đóng BXHH, vậy giờ công ty tôi phải chuẩn bị những nội dung gì để phục vụ đoàn kiểm tra?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định hiện hành thì những đơn vị có quyết định kiểm tra đột xuất do chậm đóng BHXH cần chuẩn bị hồ sơ, tài liệu yêu cầu xuất trình theo đề cương gửi kèm Quyết định kiểm tra, như: Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thang lương, bảng lương đã xây dựng, Quy chế trả lương; hồ sơ, chứng từ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức PHSK; Bảng thanh toán tiền lương, bảng chấm công của đơn vị trong thời hiệu kiểm tra (văn bản, dữ liệu)… và các hồ sơ, tài liệu khác theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.

Câu 4: Bạn đọc có địa chỉ mail Lanaxx@gmail.com hỏi: Cơ quan BHXH cho tôi biết trong kết luận thanh tra sẽ thể hiện những nội dung nào?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định Kết luận thanh tra gồm các nội dung sau:

- Kết quả kiểm tra, xác minh về từng nội dung thanh tra;

- Kết luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, chuyên môn - kỹ thuật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra thuộc nội dung thanh tra; xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm (nếu có);

- Kiến nghị các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoặc hủy bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua thanh tra (nếu có).

Câu 5: Bạn đọc có địa chỉ email linhanh23xxx@gmai.com hỏi: Anh (chị) bên BHXH cho em hỏi công ty em nợ tiền bảo hiểm, vậy em có được BHXH giải quyết tiền thai sản không ạ!

Chuyên gia Trần Thị Thu Hà trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Tại Khoản 1, 2, 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện để được hưởng chế độ thai sản khi sinh con khi người lao động đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, trường hợp đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì bạn cần yêu cầu công ty đóng đủ tiền BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định để được kịp thời giải quyết chế độ thai sản.

Câu 6: Bạn đọc có địa chỉ mail Huonglexx@gmail.com hỏi: Thời hạn thực hiện cuộc thanh tra chuyên ngành tại đơn vị tham gia BHXH thường kéo dài trong bao lâu?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 30, Nghị định 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra như sau:

- Cuộc thanh tra do Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày;

- Cuộc thanh tra do Cục thuộc Tổng cục, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

Câu 7: Bạn đọc có email hoahongxx@gmail.com hỏi: Tháng 10 công ty em nợ tiền đóng BHXH và mới đóng bhxh hết tháng 5/2024, tháng 11 bên e nộp tiền nợ bhxh của tháng 6,7,8/2024 nhưng khi nhận được thông báo đóng tiền thì lại chỉ tính nộp bhxh cho bên em đến tháng 7/2024. Cho e hỏi cơ quan bhxh tính như vậy có đúng không?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN quy định khi nhận được tiền đóng của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp quản lý người tham gia thực hiện như sau:

a) Thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kể cả tiền lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều này đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật (nếu có);

b) Số tiền còn lại, hạch toán thu theo thứ tự sau đây:

- Thu đủ số tiền phải đóng bảo hiểm y tế và tiền lãi chậm đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này (nếu có);

- Thu đủ số tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này (nếu có);

- Thu tiền đóng bảo hiểm xã hội và tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này (nếu có).

Câu 8: Bạn có địa chỉ email: phamhuyenxxx@gmail.com hỏi: Tôi nghỉ chế độ ốm đau và đã gửi giấy tờ cho công ty nhưng chưa nhận được tiền chế độ. Hỏi thì công ty trả lời là đã làm hồ sơ thanh toán cho tôi nhưng do công ty đóng tiền BH 3 tháng một lần nên phải đợi công ty đóng tiền BH thì tôi mới nhận được tiền thai sản. Công ty trả lời tôi như vậy có đúng không?

Chuyên gia Trần Thị Thu Hà trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam hướng dẫn về phương thức đóng bảo hiểm xã hội như sau: "Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước"Trường hợp đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng hằng tháng, 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Luật BHXH 2024 cũng quy định

Như vậy, công ty bạn có trách nhiệm phải chuyển tiền đóng BHXH đã trích trừ của người lao động hàng tháng cùng với tiền đóng của chủ sử dụng lao động theo tỷ lệ phần trăm qui định về cơ quan BHXH để để được hưởng chế độ BHXH kịp thời.

Điểm b Khoản 1 Điều 33 Luật BHXH 2024 quy định về phương thức đóng BHXH như sau: Đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương thức đóng hằng tháng.

Trường hợp đối tượng là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì đóng theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

Khoản 4 Điều 34 Luật BHXH 2024 quy định: Phương thức, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định như sau: Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; Ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần.

Câu 9: Bạn đọc có địa chỉ email: ngoanlexx@gmail.com hỏi: Hiện tôi đang mang thai và dự kiến sinh vào tháng 04/2025. Hiện tại vì tình hình khó khăn nên công ty đang nợ tiền bảo hiểm xã hội của toàn thể nhân viên kể từ tháng 7/2024 đến nay. Vậy cơ quan BHXH có nhận riêng hồ sơ thai sản của tôi và giải quyết cho tôi hay phải đến khi doanh nghiệp hoàn tất các khoản nợ bảo hiểm của toàn công ty?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: "Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con". Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bản thân, bạn đề nghị người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP để cơ quan BHXH kịp thời giải quyết chế độ BHXH đối với bạn.

Câu 10: Bạn đọc có email asquytrxx@gmail.com hỏi: Công ty tôi có nhân viên mới ký hợp đồng làm việc chính thức từ tháng 10/2024 nhưng do sơ suất chưa được báo tang đóng BHXH. Bây giờ muốn báo tăng BHXH cần làm thủ tục gì và có bị phạt không?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ Điều 38 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam hướng dẫn truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN quy định, khi đơn vị đề nghị truy thu cho người lao động cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Phụ lục 2 của Văn bản hợp nhất, cụ thể đối với công ty bạn cần chuẩn bị:

- Hợp đồng lao động của người lao động đề nghị truy thu

- Bảng thanh toán tiền lương (hoặc bảng kê tiền lương, tiền công nếu trả qua ATM) tương ứng thời gian truy thu.

- Loại khác: Văn bản giải trình, thuyết minh ….., hoặc giấy tờ liên quan đến việc khoán sản phẩm, khoán công việc, ….. (nếu có).

Trường hợp truy đóng do trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng. Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.

Câu 11: Bạn đọc có địa chỉ email: phamgiangxx@gmail.com hỏi: Trong trường hợp công ty còn nợ tiền đóng BHXH, lương hưu của người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu được giải quyết như thế nào?

Chuyên gia Trần Thị Thu Hà trả lời: Theo Điểm 1.2 Khoản 72 Điều 1 của Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định như sau: "Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định (tách đóng), cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.".

Tại Công văn số 1880/BHXH- CSXH ngày 21/6/2023 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH theo hướng dẫn tại Công văn số 2591/LĐTBXH- BHXH ngày 09/8/2021 và Công văn số 1025/LĐTBXH- BHXH ngày 23/3/2023 của Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội về đối tượng người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH bao gồm: "Đơn vị đang làm thủ tục phá sản; Đơn vị đã có quyết định phá sản của tòa án; đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; đơn vị không có người đại diện theo pháp luật".

Theo điểm 2.1 khoản 2 Mục III Công văn số 1880/BHXH- CSXH về giải quyết hưởng chế độ hưu trí quy định:

a) Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu đã giải quyết trước đó và chi trả bổ sung chênh lệch mức hưởng cho người lao động kể từ thời điểm đã hưởng.

b) Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm đến dưới 20 năm (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) mà người lao động có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng; thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Khi khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu đã giải quyết trước đó và chi trả bổ sung chênh lệch mức hưởng cho người lao động kể từ thời điểm đã hưởng (không thực hiện hoàn trả số tiền người lao động đã đóng BHXH tự nguyện để thống nhất với nội dung hướng dẫn tại Công văn số 276/LĐTBXH-BHXH ngày 06/02/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

Trường hợp của bạn nếu được xác định đúng là đối tượng người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH nêu trên và được cơ quan BHXH chốt đầy đủ thời gian thực đóng BHXH trên sổ BHXH của Bạn thì Bạn đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Bạn có thể liên hệ với cơ quan BHXH địa phương để được phối hợp xác định thời gian chưa đóng BHXH thuộc đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH quy định tại Điều 1 Công văn số 1880/BHXH- CSXH ngày 21/6/2023 của BHXH Việt Nam hay không để làm căn cứ giải quyết.

Câu 12: Bạn đọc có địa chỉ mail Dumucxx@gmail.com hỏi: Công ty tôi nhận được quyết đinh thanh tra số 5983/QĐ – TTTP (P4) ngày 25/11/2024 của Thanh tra Thành phố, công ty tôi muốn thêm thời gian để có thời gian thu nợ, khắc phục nợ BHXH, cơ quan BHXH cho tôi thông tin về thời hạn tiến hành quyết định Thanh tra của cơ quan thanh tra tại công ty tôi?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo Điều 1 Quyết đinh số 5983/QĐ-TTTP(P4) ngày 25/11/2024 của Thanh tra Thành phố: Thanh tra việc chậm đóng; việc nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN tại một số đơn vị trên địa bàn Thành phố năm 2024. Thời gian thanh tra là 45 ngày (không kể ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định).

Câu 13: Bạn đọc có email thaomy12xx@gmail.com hỏi: Tôi mới chuyển việc sang công ty mới nhưng công ty cũ nợ tiền bhxh nên chưa chốt sổ cho tôi. Tôi phải làm thế nào để lấy được sổ BHXH? Luật BHXH mới 2024 có thêm quy định nào mới để xử lý đối với đơn vị nợ BHXH không?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định trách nhiệm của chủ sử dụng lao động như: "Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng Bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".

Căn cứ điểm 1.2 Khoản 1 Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam hướng dẫn truy thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN quy định việc ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH: "Đối với đơn vị chậm đóng tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn chậm đóng thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH".

Vì vậy, bạn có thể liên hệ với công ty cũ yêu cầu xác nhận sổ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, cụ thể:

+ Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

+ Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

+ Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với trốn đóng BHXH và Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với chậm đóng.

+ Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Câu 14: Bạn đọc địa chỉ mail Lanlanxx@gmail.com hỏi: cơ quan BHXH cho tôi hỏi quy định về thời gian tiến hành cuộc kiểm tra công tác BHXH cho người lao động tại đơn vị tham gia BHXH?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Khoản 3 Điều 18 Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 của BHXH Việt Nam quy định: Thời hạn thực hiện một cuộc kiểm tra về BHXH tại đơn vị như sau:

- Cuộc kiểm tra do BHXH Việt Nam tiến hành không quá 40 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày;

- Cuộc kiểm tra do BHXH tỉnh tiến hành không quá 25 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 40 ngày.

Câu 15: Bạn đọc có email tranhungatpxx@gmail.com hỏi: Công ty tôi mới thành lập và tham gia đóng BHXH ở Hà Nội. Xin hỏi thời hạn nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng đối với doanh nghiệp được quy định cụ thể như thế nào?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam hướng dẫn về phương thức đóng bảo hiểm xã hội như sau:

"Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước"

Trường hợp đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng hằng tháng, 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

Như vậy, Công ty bạn có trách nhiệm phải chuyển tiền đóng BHXH đã trích của người lao động hàng tháng cùng với tiền đóng của chủ sử dụng lao động theo tỷ lệ phần trăm quy định về cơ quan BHXH để để được hưởng chế độ BHXH kịp thời.

Câu 16: Bạn đọc có email hantpatpxx@gmail.com hỏi: Công ty tôi tuyển mới lao động thì thời hạn báo tăng như thế nào để không bị tính lãi chậm đóng?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định giải quyết tham gia và cấp sổ BHXH: "Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội".

Như vậy, sau khoảng thời gian trên mà công ty bạn chưa báo tăng đóng BHXH cho người lao động thì sẽ bị tính lãi chậm đóng theo quy định.

Câu 17: Bạn đọc Thulan12xx@gmail.com hỏi: Công ty chậm đóng BHXH, BHTN thì mức phạt vi phạm hành chính quy định như thế nào?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 5, điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022: người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ thì mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Câu 18: Bạn đọc có email huyieu20xx@gmail.com hỏi: Làm thế nào để phân biệt được việc chậm đóng và trốn đóng BHXH, Pháp luật hiện nay có quy định về nội dung này không?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều chưa có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi số 41/2024/QH15 đã quy định rõ thế nào là hành vi chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH, đồng thời làm rõ chế tài xử lý đối với tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

* Chậm đóng BHXH, BHTN: là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH chậm nhất (ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng) hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp

- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định (Người sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc)

- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định (Người sử dụng lao động có trách nhiệm kê khai và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực)

* Trốn đóng BHXH, BHTN: là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này;

- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định;

- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.

Câu 19: Bạn đọc Tamy23xx@gmail.com hỏi: Công bố quyết định thanh tra việc chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN do Thanh tra Thành phố chủ trì thành phần sẽ gồm những cơ quan, cá nhân nào?

Chuyên gia Chu Quang Dũng trả lời:

Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra gồm:

- Các thành viên Đoàn thanh tra; trong trường hợp xét thấy cần thiết, người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra cùng tham dự;

- Thủ trưởng đơn vị, đại diện các bộ phận liên quan và cá nhân thuộc đối tượng thanh tra;

- Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).

Câu 20: Bạn đọc có email lienhontb12xx@gmail.com hỏi: Công ty tôi đang làm việc nợ tiền bảo hiểm xã hội BHXH, BHYT khoảng 1 năm nay, nên thẻ BHYT không sử dụng được. Vậy, tôi muốn tham gia BHYT tự nguyện thì có được không?

Chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà trả lời:

Căn cứ Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định: "giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng số tiền đóng BHYT theo quy định".

Căn cứ Khoản 3 Điều 49 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT số 46/2014/QH13 quy định xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật:

"a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;

b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế."

Vì vậy, công ty chưa đóng tiền thì thẻ BHYT nên chưa được gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT, đồng thời bạn không thể tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình do bạn đang tham gia BHYT theo nhóm người lao động và sử dụng lao động đóng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ...

PV
Ý kiến của bạn