Doanh nghiệp chăn nuôi đang được hưởng lợi “kép”!?
Các doanh nghiệp chăn nuôi đang được hưởng lợi “kép” khi giá các nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt trong khi giá bán đầu ra tăng mạnh, hứa hẹn kết quả kinh doanh cải thiện mạnh mẽ ngay trong Quý 1 năm 2024 này.
Hàng năm, trước dịp lễ Tết Nguyên Đán, giá heo hơi thường tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo cao hơn của người dân trong kỳ nghỉ lễ dài ngày. Sau dịp Tết, giá heo hơi thường điều chỉnh trở lại do nhu cầu mang tính mùa vụ không còn nữa. Tuy nhiên, diễn biến năm nay lại hoàn toàn khác biệt. Giá heo hơi tiếp tục tăng giai đoạn sau Tết và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Biểu đồ: Giá heo hơi trong nước
Biểu đồ Giá heo hơi tăng mạnh trong nước (Nguồn: Wichart)
Giai đoạn tăng giá heo hơi lần này sẽ bền vững hơn?
Ghi nhận tại ngày 25/03/2024, giá heo hơi tại nhiều nơi khu vực phía Bắc đã tăng trên 60.000 đồng/kg. Tại thời điểm cuối năm 2023, mức giá mới chỉ biến động quanh 50.000 đồng/kg. Nhịp tăng giá heo hơi trong Quý 1 năm 2024 này gần tương đồng về biên độ so với đợt tăng giá vào quý 2 năm ngoái, giai đoạn mà kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi rất tích cực.
Trong giai đoạn này, giá heo hơi được kỳ vọng sẽ còn tăng bền vững hơn do đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Đầu tiên về phía cung, sau khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2023, các nông hộ chăn nuôi nhỏ bị ảnh hưởng dẫn đến tỷ lệ tái đàn thấp. Theo số liệu của Cục chăn nuôi, tổng đàn lợn của Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2023 ước đạt 26,342 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy đàn lợn của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước khi bùng phát dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, thường duy trì ở mức 28-29 triệu con. Thứ hai về phía cầu, so với năm 2023, hoạt động kinh tế năm 2024 được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. Ngay đầu năm, tín hiệu các đơn hàng xuất khẩu đã trở lại, hoạt động tuyển dụng công nhân gia tăng, du lịch phục hồi; xu hướng này sẽ cải thiện thu nhập của người dân và gia tăng nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm trong đó có thịt heo. Thứ ba tình hình dịch tả lợn Châu Phi khả năng cao sẽ được kiểm soát tốt hơn với độ phủ vaccine ngày càng cao cho đàn lợn. Cục Thú Y đang rà soát, trình bộ NN&PTNT quyết định bổ sung dịch tả lợn châu Phi vào danh sách những bệnh phải phòng ngừa bắt buộc bằng vaccine. Thứ tư, hoạt động nhập lậu heo qua biên giới đang được quan tâm ngăn chặn và hạn chế. Tháng 8/2023, Thủ tướng Chính Phủ đã có công điện gửi các đơn vị liên quan yêu cầu triển khai các biện pháp ngăn chặn lợn nhập lậu vào Việt Nam.
Xu hướng tái đàn khi thị trường thuận lợi: Lợi thế vẫn nghiêng về các doanh nghiệp lớn
Với các yếu tố trên, giá heo hơi hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì ở mặt bằng cao trong năm nay. Xu hướng này tạo điều kiện thuận lợi để tái đàn. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm vừa qua bị dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, tỷ lệ tái đàn của nông hộ chăn nuôi nhỏ có xu hướng giảm, trong khi đàn lợn của doanh nghiệp có xu hướng chiếm tỷ trọng cao hơn. Xu hướng chăn nuôi trong tương lai sẽ dần chuyển dịch sang các doanh nghiệp lớn đặc biệt là khi Luật chăn nuôi có hiệu. Theo quy định của luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực, tức từ ngày 1/1/2025 để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp. Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước có thể sẽ phải di dời ra khỏi các khu vực dân cư hoặc ngừng hoạt động. Lợi thế sẽ thuộc về các doanh nghiệp có trang trại tập trung, hiện đại, đang mở rộng quy mô, có đàn lợn nái chất lượng để tái đàn nhanh với giống tốt. Nổi bật có thể kể đến CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DBC) khi doanh nghiệp này đã đầu tư vào một loạt trang trại chăn nuôi mới để tăng công suất.
Theo đó, Dabaco đang tăng công suất với hàng loạt các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn như: Dự án chăn nuôi tại Thanh Hóa với công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm; Dự án lợn giống Dabaco Phú Thọ - giai đoạn 3 có công suất 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm. Tính riêng 2 dự án này sẽ giúp tổng công suất tập đoàn tăng thêm gần 25% so với trước đó. Tập đoàn cũng liên tục nhập khẩu lợn cấp cụ kỵ để bổ sung nguồn gen lợn giống. Ngày 10/1/2024, 20 container lợn giống cụ kỵ nhập khẩu từ Pháp của Dabaco đã cập bến Nội Bài. Đây là lần thứ ba tập đoàn nhập khẩu lợn giống Pháp từ năm ngoái. Với những bước đi như trên, dường như Dabaco đang đón đầu xu hướng tái đàn và gia tăng công suất khi thị trường thuận lợi.
Giá đầu ra tăng trong khi giá đầu vào giảm sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi tăng mạnh. Ngô, lúa mì, đậu tương là những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó đa phần là nhập khẩu do giá thành rẻ và chất lượng tốt hơn trong nước. Diễn biến giá của các nguyên liệu này trên thị trường thế giới cho thấy xu hướng giảm trong năm 2023 và đầu năm 2024. Thông thường, chi phí để nuôi 1 con heo từ 7-8kg lên 100kg sẽ bao gồm: con giống (25-30%), thức ăn chăn nuôi (55-65%) còn lại là các chi phí khác như thuốc thú y, công lao động, khấu hao tài sản…
Như vậy, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm 20% thì chi phí chăn nuôi sẽ giảm khoảng 12%. Nếu giả định sản lượng không đổi, giá bán tăng 20% trong khi chi phí giá thành sản xuất giảm 12% thì tỷ lệ giá thành sản xuất trên doanh thu sẽ giảm 26,6%, tức là biên lợi nhuận và lợi nhuận gộp đều sẽ tăng mạnh. Chưa kể đến khi nhu cầu hồi phục, sản lượng thịt heo cung ứng ra thị trường của các doanh nghiệp cũng tăng theo, thúc đẩy doanh thu tăng thêm.
Biểu đồ giá Đậu tương, Ngô và Lúa mì trền sàn giao dịch quốc tế
Biểu đồ giá đậu tương, ngô và lúa mì trền sàn giao dịch quốc tế (Nguồn: Investing)
Điều này cũng lý giải kế hoạch kinh doanh cao mà tập đoàn Dabaco đặt ra cho năm 2024 với doanh thu 25.380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 729,8 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết kế hoạch 2024 được xây dựng trên cơ sở đánh giá thận trọng và đã tính toán đến các thách thức, khó khăn của thị trường. Với xu hướng giá lợn tăng bền vững, ổn định hơn cộng với giá đầu vào đã hạ nhiệt, sản lượng gia tăng do mở rộng công suất, kế hoạch kinh doanh của Dabaco trong năm 2024 là hoàn toàn có cơ sở trên những giả định thận trọng. Đồng thời, kết quả kinh doanh có thể sẽ khởi sắc ngay trong quý 1 này.
PVBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.