Doanh nghiệp chế biến nông sản đối mặt với "bài toán" chi phí

Kinh doanh
08:36 AM 10/04/2024

Doanh nghiệp (DN) chế biến nông sản hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, áp lực tăng tỷ giá USD, chi phí giá thành sản phẩm...

Câu chuyện các DN chế biến nông sản xuất khẩu (XK) đang phải "đau đầu" với nhập khẩu nguyên liệu là khó khăn lớn nhất đối với họ. Nhất là khi tỷ giá USD tăng cao sẽ càng làm tăng giá nguyên liệu. Khi nhập hàng về, DN phải mất thời gian chế biến, rồi phải có đơn hàng XK ngay để giảm thiểu tình cảnh nhập giá cao nhưng lại bán giá thấp dẫn đến thua lỗ.

Doanh nghiệp chế biến nông sản đối mặt với "bài toán" chi phí- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo TN&MT

Như với ngành chế biến hạt điều XK hiện vẫn đang "căng mắt" để theo dõi diễn biến tỷ giá USD có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. 

Bởi lẽ, lĩnh vực này phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu điều thô (đa phần thanh toán bằng USD). Và một khi tỷ giá USD tăng sẽ tác động lên chi phí giá thành sản phẩm, để có lợi nhuận thì buộc các DN phải tính toán lại giá bán cũng như các đơn hàng XK.

Không chỉ với vấn đề tỷ giá, tình trạng tăng giá điều nguyên liệu còn do tình hình vụ mùa điều năm nay của thế giới và Việt Nam không được thuận lợi do tác động của biến đổi khí hậu, các yếu tố về tình hình chính trị, một số nước cấm XK…

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở ngành hồ tiêu. Giá hồ tiêu đang duy trì ở mức cao, trong khoảng 92.500 - 94.000 đồng/kg. Tháng 4/2024 là thời điểm kết thúc vụ thu hoạch nhưng nguồn cung lại đang thiếu, trong bối cảnh sản lượng năm nay thấp và giá nguyên liệu cao nên nhiều DN đang phải tăng cường nhập khẩu hồ tiêu, trong đó có nhập khẩu từ quốc gia láng giềng là Campuchia.

Còn ở ngành hàng cà phê với mức giá trong nước hiện đang tăng mạnh trở lại, vượt mốc 103.000 đồng/kg. Với mức giá quá cao như vậy đã ảnh hưởng đến các DN chế biến cà phê XK. Bởi nếu càng xuất nhiều, DN càng lỗ nhiều và thậm chí không dám ký đơn hàng mới vì rất khó để đàm phán theo giá tăng.

Giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN chế biến nông sản đang sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là cần thường xuyên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để từ đó kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt là lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

Mặt khác, các cơ quan quản lý cần tạo cơ hội để các DN chế biến nông sản được giao lưu, tìm hiểu nhằm mục đích tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu trong nước hoặc ở một số quốc gia với mức giá hợp lý hơn. Hơn nữa, nên có các chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung cấp nguyên liệu cho các DN.

Chính từ vướng mắc của các DN chế biến nông sản xuất khẩu mới thấy tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước bằng cách xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững hơn. Để từ đó người nông dân và DN đều cùng hưởng lợi dù cho giá cả nguyên liệu có tăng cao. Còn khi các DN vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài thì bài toán chi phí vẫn còn là "khúc quanh" với DN.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.