Doanh nghiệp chế biến thủy sản lo giảm sức cạnh tranh trên thị trường

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:53 PM 22/02/2022

Giá nguyên liệu đầu vào tăng theo giá xăng, sức cạnh tranh bị giảm... đang là nỗi lo của các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản.

Tác động dây chuyền

Trong 2 tháng đầu năm 2022, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới tăng so với cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến tình trạng cá tra nguyên liệu thiếu hụt và tăng giá cao. Hiện nay, một số nhà máy chế biến cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu mua cá tra ở mức 30.000 đồng/kg, tăng 25% so với cuối năm 2021. Với mức giá đầu vào cao như vậy nên chuyện tăng giá thành sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu (XK) là khó tránh khỏi.

Doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo giảm sức cạnh tranh trên thị trường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Với giá cá tra nguyên liệu và giá XK hiện tại thì người nuôi cá tra ở ĐBSCL đều thuận lợi, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, cái khó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cước tàu cũng tăng, trong khi tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá còn nhiều, khiến chi phí giá thành tăng và giảm một phần tính cạnh tranh.

Tương tự, với mảng chế biến tôm, dù cơ hội thị trường rộng mở song các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm cũng cho rằng, vẫn tồn tại không ít thách thức như giá thành nuôi, chi phí chế biến, xuất khẩu đều tăng cao khiến lợi thế cạnh tranh của tôm Việt bị giảm sút đáng kể.

Doanh thu xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế thực tế cho doanh nghiệp vì cước vận tải và nhiều chi phí khác đã ăn mòn lợi nhuận. Chưa bao giờ trong lịch sử, giá cước vận và phụ phí lại tăng đột biến gấp đến 10 lần, trong khi đó mức tăng thông thường chỉ từ 5-10%/năm. Vấn đề kéo dài 2 năm nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu “hạ nhiệt” nào, thậm chí ngày càng căng thẳng hơn khi ngay cả với các tuyến vận chuyển ngắn như đi Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tăng giá hơn gấp đôi.

Không chỉ vậy, các DN chế biến sản phẩm thịt trong ngành thực phẩm cũng đang ngán ngại “tác động dây chuyền” từ việc nhiều DN thức ăn chăn nuôi lớn như C.P, Cargill, Greenfeed, Japfa Comfeed, De Heus, CJ Vina Agri, Anco, Proconco, New Hope… đã đồng loạt tăng giá bán thức ăn chăn nuôi trong tháng 2/2022.

Mức giá cao đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng. Đây là cũng là khó khăn chung cho các DN ngành chăn nuôi nói chung và “tác động dây chuyền” vào các DN chế biến sản phẩm nói riêng tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2022 khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Không chỉ vậy, việc xăng dầu tăng giá cao trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, khiến giá thành chế biến thực phẩm tăng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh của các DN.

Chú trọng nâng cao năng lực sản xuất

Để nâng cao năng lực cho ngành chế biến thực phẩm Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, cần quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn giống chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cung cấp cho phát triển nuôi con giống thương phẩm. Bên cạnh đó, quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị vùnglà cần thiết để định hình lại vùng nuôi con giống phát triển hiệu quả, bền vững, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng vùng.

Doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo giảm sức cạnh tranh trên thị trường - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên tình trạng thiếu lao động rất trầm trọng, vì vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp tuyển được nhiều lao động bằng cách dành thêm nhiều quỹ đất và cho vay ưu đãi lãi suất thấp để doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Về trung và dài hạn, cần có mức ưu đãi lãi suất thấp trong 5 năm để doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến.

Ngoài ra, phải cải tiến dây chuyền tăng năng suất, giảm lệ thuộc lao động và tăng mức vệ sinh an toàn cho sản phẩm; trong đó chú trọng ứng dụng ở những nhà máy sắp xây dựng mới, tạo nền cho một bước tăng trưởng về trình độ chế biến tôm so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Cùng với đó, cần khẩn trương thúc đẩy đánh mã số cơ sở nuôi bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng và thâm nhập các hệ thống phân phối cao cấp bởi các hệ thống này cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi.

Gia tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC, BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất). Như vậy, nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư chăn nuôi. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô lớn mới mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu mới vào chăn nuôi.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các địa phương có điều kiện phát triển chế biến, chăn nuôi cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo, cung ứng và xử lý nguồn nước nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Ngoài vùng nuôi, nước nuôi, điện, đường còn phải chú ý vùng cung ứng lao động và cả cơ sở chế biến. Sự đồng bộ này sẽ góp phần tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm tôm, cá tra, thịt lợn... của Việt Nam.

Để giấc mơ thủy sản vươn xa, bền vững, không phải là tâm trạng trông chờ “thoát hiểm cuối năm” như hiện tại, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập, chia sẻ với báo chí: Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến, xuất khẩu và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra còn rất lớn.

Vì thế, phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “sân chơi” nội địa và quốc tế để các DN ngành thủy sản ứng xử đúng, liên kết lại để “làm sạch” con tôm, con cá và các sản phẩm thủy sản, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Các dịch vụ hậu cần logistics, thương mại điện tử, ứng dụng số cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị thủy sản sáng tạo. Đạt được điều đó thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 tỷ USD.

An Mai
Ý kiến của bạn