Doanh nghiệp chủ động hỗ trợ người tiêu dùng trước "cơn bão" giá
Từ năng lượng đến phân bón, ngũ cốc tới kim loại, rồi rau cỏ, thực phẩm... không ngừng tăng, thậm chí giá xăng liên tục lập đỉnh đã tác động lớn đến thị trường tiêu dùng. Tất cả đều đang tạo thành "cơn lốc" giá cả, ảnh hưởng đến tài chính của người dân.
Chật vật trong cơn "bão giá"
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng theo giá xăng, người tiêu dùng đang phải "gồng mình" để thích ứng với cơn "bão giá" hiện tại.
Cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ. Người dân phải oằn mình gánh thêm các khoản phí chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Mọi thứ đều phải "cân đo đong đếm" cẩn thận để có thể duy trì được cuộc sống.
Cô Nguyễn Thu Hương (53 tuổi, Quảng Ninh) thường xuyên phải "cân đo đong đếm" mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình. Từ ngày giá cả liên tục tăng, mỗi lần đi chợ, cô đều cảm thấy mình như bị "móc túi".
"Từ những thứ nhỏ như cân đường, lạng muối đến những thứ lớn như bình gas đều tăng đồng loạt khiến mình cũng phải cân nhắc nhiều trong chi tiêu cho gia đình. Bao năm làm nội trợ trong gia đình mình cũng đoán được giá xăng dầu lên thì mọi thứ cũng lên nên đã tìm cách cân đối lại chi tiêu. Dù nhìn thì chỉ 1 vài nghìn không đáng bao nhiêu nhưng tất cả đều tăng thì mình sẽ mất thêm đến cả tiền triệu mỗi tháng khi chi tiêu cho cả 5 người trong gia đình. Đi chợ giống như bị "móc túi" vậy", cô Hương than thở.
Không chỉ người tiêu dùng mà cả những người làm ăn, kinh doanh cũng gặp khó khăn.
Điển hình như Gojek - hãng gọi xe, giao hàng - đã chính thức áp dụng mức giá cước mới đối với các dịch vụ GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn). Mức tăng là từ vài trăm đồng cho đến vài ngàn đồng cho mỗi km, tùy theo dịch vụ. Nhưng giá cước tăng thì đơn hàng giảm rõ rệt.
Giới tài xế chạy xe công nghệ cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu các hãng hỗ trợ giảm chiết khấu sẽ giúp họ có động lực để tiếp tục chạy. Bởi lẽ, với mức chiết khấu của các hãng hiện nay lên tới từ 22% đến gần 30%, tài xế chạy cật lực từ sáng đến tối, sau khi trừ chiết khấu, chi phí xăng xe, cơm nước mỗi ngày thì thu nhập chẳng còn được bao nhiêu, thậm chí lỗ nếu ngày nào ít khách.
Hay như nhiều tiểu thương bán hàng tại chợ truyền thống cũng cảm thấy bất ngờ về mặt bằng giá hiện nay. Từ đầu năm đến nay, giá hàng tạp hóa nhập về bán liên tục tăng. Nhiều mặt hàng nhập về đều đồng loạt tăng giá. Ví dụ như mì ăn liền tăng thêm khoảng 8-10% tùy loại, dầu ăn cũng tăng thêm từ 5-10 nghìn/lít. Hay như nước mắm, mì chính cũng tăng nhẹ từ 3-5 nghìn.
Các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài guồng quay bão giá. Hiện nay, cùng với việc tăng giá xăng dầu, cước vận chuyển đã tăng lên từ 15 - 20% so với thời điểm nửa năm trước. DN gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khi nguyên liệu cho sản xuất tăng giá, các dịch vụ như vận tải, phí thuê kho bãi cũng tăng, tất cả đều phải tính vào giá thành sản phẩm.
Nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng xuất khẩu sụt giảm khi kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng đều tăng. Do đó, hiện nhiều đơn vị buộc phải điều chỉnh giá cước vận chuyển container tăng 10 - 30% so với đơn giá hiện tại. Tuyến vận chuyển từ các IDC đến Tân cảng Cát Lái tăng cao nhất 30%...
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch và đe doạ sức chống chịu của nền kinh tế.
Chủ động bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động bình ổn giá hoặc điều chỉnh mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Cụ thể, Siêu thị AEON Việt Nam đang nỗ lực đàm phán để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho khách hàng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng. Ngoài ra, siêu thị đang tìm kiếm thêm hàng nội địa chất lượng với mức giá hợp lý có thể thay thế cho các mặt hàng tươi sống, đông lạnh nhập khẩu.
Siêu thị Emart hiện tại cũng vẫn chưa tăng giá hàng hóa và đang thương lượng với các nhà cung cấp. Song do giá xăng dầu liên tục tăng và nếu trong thời gian tới không giảm, hàng hóa sẽ khó giữ giá như cũ. Siêu thị đang thương lượng với các nhà cung cấp để kéo dài thời gian tăng giá hoặc chia nhỏ làm nhiều đợt tăng. Ví dụ, những mặt hàng thiết yếu có mức tăng dưới 5% mỗi lần, chứ không tăng cao một lúc nhằm tránh gây sốc cho khách hàng.
Tại cuộc họp về tình hình giá cả mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, đánh giá do tác động của nhiều yếu tố đã làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến áp lực tăng giá. Tuy nhiên, giá tại nhiều hệ thống phân phối hiện đại tương đối ổn định. Các siêu thị đang rà soát các yếu tố đầu vào, nếu thấy các đề xuất tăng giá hợp lý từ nhà cung cấp mới điều chỉnh.
Đối với giá cả tại chợ truyền thống phụ thuộc vào lượng hàng cũng như lượng khách trong ngày. Hiện nay, giá các mặt hàng tươi sống có dấu hiệu gia tăng do chi phí vận tải, chi phí xăng dầu… phục vụ sản xuất tăng cao.
“Riêng với chương trình bình ổn thị trường TP.HCM đang triển khai, người dân có thể yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại kênh phân phối hiện đại sẽ được giữ giá tương đối ổn định”, ông Phương cam kết.
Về công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm của Bộ Tài chính, Bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển triển khai một số giải pháp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, từ đó góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân. Trong đó, việc điều hành chính sách duy trì kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chuẩn bị tất cả các kịch bản để tham mưu cho Chính phủ trong việc điều hành giá cả. Trong trường hợp mặt hàng xăng dầu có những biến động mạnh về giá, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp cụ thể để đảm bảo mặt hàng xăng dầu không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược, từ đó đưa ra dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu, bình ổn giá phù hợp.
Mặt khác, các bộ, ngành cần chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Như, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
An MaiTheo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.