Doanh nghiệp dệt may báo lãi lớn trong quý đầu năm
Đơn hàng xuất khẩu tới tấp và hoạt động sản xuất ổn định dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may tăng trưởng và lợi nhuận cao trong quý đầu tiên của năm 2022. Thành quả của những tháng đầu năm đặt ra kỳ vọng toàn ngành có thể vượt mục tiêu cả năm là xuất khẩu đạt từ 42,5 – 43,5 tỉ đô la Mỹ…
- VNDIRECT: Hầu hết giá cổ phiếu của dệt may hiện đang gần với giá trị hợp lý, động lực tăng trưởng đến từ nhiều dự án khu công nghiệp
- BSC: 2022 sẽ là năm của những doanh nghiệp Dệt may tăng trưởng cả mảng kinh doanh cốt lõi và "lấn sân" đầu tư bất động sản
- Đa dạng nguồn cung ngoài Trung Quốc: Lối đi cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam để "bán chất xám thay vì bán nhân công"
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may trong quý 1/2022 đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Dệt may cũng là nhóm hàng đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng xuất khẩu quý 1 của cả nước, chiếm gần 14% kim ngạch tăng thêm của cả nước.
Ngoài dệt may, hai nhóm hàng xuất khẩu quan trọng khác của ngành công nghiệp dệt may cả nước là xơ, sợi và vải mành, vải kỹ thuật cũng có sự tăng trưởng tích cực. Trong đó, xuất khẩu xơ, sợi đạt 1,45 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái và nhóm vải mành, vải kỹ thuật đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,5%.
Như vậy, trong quý đầu năm, ba nhóm hàng xuất khẩu chính của ngành công nghiệp dệt may đã đạt giá trị xuất khẩu 10,85 tỷ USD, tương đương hơn 25% so với mục tiêu xuất khẩu đặt ra cho cả năm 2022 là đạt khoảng 42,5 - 43 tỷ USD.
Mức tăng trưởng ấn tượng của ngành dệt may trong quý 1 cũng đã được phản ánh rõ nét qua báo cáo tài chính quý của hầu hết các doanh nghiệp ngành này, khi doanh thu và lợi nhuận có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2021.
Nổi bật nhất là "anh cả" Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong quí 1 đạt gần 4.900 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế đạt 376,7 tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ, bằng 39,6% kế hoạch cả năm. Trong đó, ngành sợi tăng 139% và ngành may tăng 167% so với cùng kỳ. Trừ đi các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thu về gần 200 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2021.
Tiếp đó là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG cũng công bố doanh thu thuần quí 1/2022 đạt 1.260 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỉ đồng, tăng 74%.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư thương mại Thành công (TCM) công bố kết quả hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm với doanh thu đạt 47,2 triệu đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt trên 3 triệu đô la, tăng 17%.
Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), doanh thu bán hàng trong quí 1 đạt 640 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, Công ty hoàn thành 25% mục tiêu doanh thu kế hoạch năm 2022.
Cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, trong quý 1, CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) đạt doanh thu thuần 640 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021, LNST đạt 76,3 tỷ đồng, tăng 8,8%. Trong khi, CTCP Damsan (mã ADS) ghi nhận doanh thu thuần gần 445 tỷ đồng và lãi ròng 28,5 tỷ đồng, đều tăng hơn 41% so với cùng kỳ. Tổng công ty May 10 cũng ghi nhận doanh thu quý 1 gần 856 tỷ đồng và lãi ròng 22,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 15,9% so với cùng kỳ.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng thực hiện đến quí 3 và khả năng năm 2022 này sẽ tăng trưởng cao.
Mặc dù vậy nhiều doanh nghiệp cho rằng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó, vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.
Mặt khác, xu hướng hiện nay các khách hàng đều muốn giảm bớt trung gian để làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí. Đồng thời, với chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.
Song, nhận định về tình hình thị trường trong quí 2 và những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cho biết, nếu xung đột Nga – Ukaine còn căng thẳng, lạm phát, chi phí logistics còn leo thang, thị trường sẽ có nhiều diễn biến khó lường.
Bình An (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.