Doanh nghiệp dệt may chủ động thích ứng với biến động thị trường

Kinh doanh
10:47 AM 16/04/2025

Xuất khẩu dệt may có nhiều tín hiệu tích cực trong quý I nhưng áp lực thuế quan từ Mỹ đang buộc doanh nghiệp Việt phải linh hoạt thích ứng và đa dạng hóa thị trường.

Quý I/2025, dệt may tiếp tục đứng trong top 5 nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 tỷ USD trở lên, với 8,694 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tình hình đơn hàng khởi sắc ngay từ đầu năm là động lực chính giúp ngành đạt mức trưởng 2 con số.

Đơn cử, kết quả sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2025 của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 4.417 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỷ đồng, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2024. 

Trong 3 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp ngành sợi thuộc Tập đoàn đã cắt lỗ và có lợi nhuận. Cùng với đó, tất cả các đơn vị ngành may đều có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt.

Hiện, hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu, trong khi giá bông liên tục giảm sâu. Hầu hết, các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường.

Doanh nghiệp dệt may chủ động thích ứng với biến động thị trường- Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp dệt may đang thương thảo hợp đồng cho quý III/2025. Ảnh minh họa, internet

Với ngành may, nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang thương thảo cho quý III/2025.

Tương tự với Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 85% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2025 và đã tiếp nhận đơn hàng cho quý III/2025. Nhờ đó, 2 tháng đầu năm 2025, doanh thu của công ty mẹ đạt 635 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2024, lợi nhuận lũy kế 2 tháng tăng 31%. 

Trước đó, khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới và kế hoạch áp thuế vào ngày 3/4 (theo giờ Việt Nam), nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường và tình hình sản xuất chững lại. Tuy nhiên, ngay khi thông tin tạm dừng áp dụng thuế được công bố vào 10/4, các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II.

Theo đánh giá của Tập đoàn dệt may Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tại thị trường Mỹ có thể sẽ không sụt giảm mạnh do tồn kho đã trở về mức thấp sau Covid-19 và kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn chính sách thuế quan. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam cũng cần dự phòng phương án trong trường hợp hàng dệt may Trung Quốc không xuất khẩu vào Hoa Kỳ do thuế cao sẽ tấn công sang các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả thị trường nội địa Việt Nam.

Trước diễn biến thuế quan của Mỹ, phát biểu tại buổi họp với Chính phủ tổ chức gần đây, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - nhấn mạnh, doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA, thị trường Halal, Nam Mỹ nhằm tận dụng ưu đãi, mở rộng thị phần.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu và chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng… và khả năng hợp tác thương mại, đầu tư với dệt may Việt Nam. Tổ chức kết nối giao thương nhiều hơn để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Quy tụ tinh hoa tài chính thế giới tại Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 Quy tụ tinh hoa tài chính thế giới tại Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025

Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) dự kiến sẽ chào đón nhiều đại biểu tới từ các Bộ/ngành, Tập đoàn, DN, Quỹ đầu tư, Viện trường... tạo không gian trao đổi về xu hướng đầu tư công nghệ, đồng thời phân tích cơ hội và thách thức của thị trường vốn tư nhân tại Việt Nam.