Doanh nghiệp dệt may linh hoạt điều phối sản xuất để giao hàng đúng hẹn
Tín hiệu tích cực từ đơn hàng 6 tháng đầu năm mang đến cơ hội ngắn hạn cho ngành dệt may. Tuy nhiên, trước áp lực thuế quan nhiều doanh nghiệp dệt may đang linh hoạt điều phối sản xuất để giao hàng đúng hẹn cho khách.
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5/2025 do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường đánh giá thị trường ngành may mặc trong 6 tháng đầu năm nhiều khả năng duy trì thuận lợi, có thể kéo dài đến hết quý III/2025. Doanh nghiệp cần tận dụng giai đoạn này để hoàn thành ít nhất 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm nhằm dự phòng cho những biến động nửa cuối năm.
Xuất khẩu dệt may của Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn đạt 13,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu tiếp tục tăng trưởng. Riêng Trung Quốc có dấu hiệu giảm do giảm nhu cầu nhập sợi.

Ảnh minh họa: Internet
Đến ngày 10/7, Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam, cũng như phải chờ kết quả đàm phán của Chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex về mặt tích cực thì tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó trong quý III tình hình về đơn hàng vẫn khả quan. Sang quý IV có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Mỹ giảm.
Các doanh nghiệp đang chạy đua với thời gian để giao hàng cho đối tác Mỹ. Nhiều đơn hàng lẽ ra do Trung Quốc đảm nhiệm cũng đã được chuyển sang Việt Nam do thuế cao tại thị trường này.
CEO Công ty Đức Giang - ông Phạm Tiến Lâm cho biết công ty đang tận dụng khoảng thời gian 90 ngày hoãn áp thuế của Mỹ để đẩy mạnh xuất hàng. Công ty ưu tiên khách hàng có giá trị gia tăng cao, tập trung các thị trường như Úc, Nhật và có thêm tín hiệu tích cực từ Trung Quốc. Tình hình đơn hàng duy trì ổn định đến tháng 7 và đang nhận thêm đơn cho tháng 8 - 9.
Tại Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, CEO Nguyễn Ngọc Bình cho biết nhiều khách hàng Mỹ yêu cầu giao hàng trước ngày 10/7 để tránh áp thuế, dẫn đến áp lực sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi, đơn hàng giảm rõ rệt do khách hàng chờ chính sách thuế mới. Một số khách cắt giảm khối lượng, thậm chí chuyển đơn sang Bangladesh hoặc quay về Trung Quốc. Dù vậy, cũng có đơn hàng từ Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam. Hòa Thọ hiện tăng cường chào hàng để lấp chỗ trống sản xuất quý III/2025.
Dệt May Huế ghi nhận đơn hàng giảm, tỷ lệ chốt đơn cũng chậm hơn từ sau thời điểm Mỹ tuyên bố áp dụng thuế quan mới. Nhiều khách hàng yêu cầu giảm giá từ 3% - 5% cho đơn hàng giao tháng 5 - 6. Tuy nhiên, các đơn hàng quý III/2025 cơ bản đã kín, trong đó một số nhà cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ chi phí giảm tới 27% để giữ đơn hàng. Các khách hàng nhận định, đơn hàng quý IV/2025 có thể giảm so với cùng kỳ năm trước trên tùy từng phân khúc.
Theo Tổng Công ty May Hưng Yên, hiện đơn vị đã có kế hoạch sản xuất liên tục đến khoảng trung tuần tháng 8 và đang tiếp tục trao đổi để nhận thêm đơn hàng. Ở thời điểm hiện tại, một số khách hàng cũ tại thị trường Mỹ có xu hướng giảm đơn hàng. Nhưng một số khách đang đặt hàng tại Trung Quốc lại có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Cùng đó, thị phần khách hàng từ các thị trường khác như Australia, Anh và châu Âu cũng có xu hướng tăng lên.
Dù phải đối mặt với mức thuế cao, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ sự ổn định, trình độ lao động và năng lực sản xuất quy mô lớn. Trong khi các đối thủ cạnh tranh vật lộn với rủi ro nội tại, ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng tốt “khoảng trống” từ chính sách của Mỹ để khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
Huyền My (t/h)
Không chỉ đón vận hội từ việc sáp nhập vào TP.HCM, Vũng Tàu đang đứng trước “ngưỡng cửa” chuyển mình mạnh mẽ nhờ hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Đây được xem là cú hích chiến lược, giúp thành phố biển tăng tốc phát triển, đẩy mạnh kết nối liên vùng và vươn tầm quốc tế.