Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ

Kinh doanh
11:10 AM 10/04/2025

Xuất khẩu dệt may sang Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực trong quý I nhưng áp lực thuế quan từ Mỹ đang buộc doanh nghiệp Việt phải linh hoạt thích ứng và đa dạng hóa thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 15%, đạt hơn 3,7 tỷ USD. Đây là mức tăng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế Mỹ còn nhiều biến động.

Bên cạnh đó, Mỹ còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất hầu hết hàng hóa chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất như máy vi tính, điện thoại, máy móc, giày dép…

Chia sẻ bên lề Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu, vải (SaigonTex - SaigonFabric) 2025, ngày 9/4 tại TP HCM, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Doanh nghiệp dệt may tìm giải pháp ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ- Ảnh 1.

Dệt may xoay xở ứng phó 'bão' thuế. Ảnh: Internet

Thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với hàng hóa Việt khiến nhiều doanh nghiệp không khỏi bất ngờ. Để ứng phó, ông Giang khuyến cáo doanh nghiệp cần tập trung vào định hướng chiến lược lâu dài gồm: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khách hàng và chủng loại sản phẩm nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Cũng theo ông Giang, yêu cầu chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cũng đang đặt áp lực ngày càng lớn lên toàn ngành.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như yêu cầu từ các thương hiệu toàn cầu, doanh nghiệp buộc phải đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, thiết bị hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP HCM nhấn mạnh để vượt qua những thách thức, biến động, doanh nghiệp cần tập trung liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa sản xuất. 

Ngành dệt may cần chuyển từ tăng trưởng nhanh sang phát triển bền vững đến năm 2030, và từ năm 2031 đến 2035 sẽ tiến tới phát triển hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tham gia vào các mắt xích có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2024, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023, đưa Việt Nam vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Riêng năm nay, ngành đặt mục tiêu đạt 47- 48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Hiện có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may với tổng vốn trên 37 tỷ USD, đóng góp khoảng 65% kim ngạch toàn ngành.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn