Doanh nghiệp địa ốc “đua nhau” phát hành trái phiếu lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro

Nghị định 81 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/9 nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Do đó, trước khi bị siết, loạt doanh nghiệp bất động sản đã diễn ra cuộc tăng tốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao, đẩy rủi ro về phía người mua.

Doanh nghiệp địa ốc “đua nhau” phát hành trái phiếu lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Mandala Wyndham Mũi Né đang triển khai của Apec Group.

Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 khiến giao dịch bất động sản ảm đạm, hàng tồn kho tăng cao khiến dòng tiền kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc bị hạn chế.

Hơn nữa, kể từ khi Thông tư 22/2019 của NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hướng đến siết cho vay với các lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Do đó, một số nhà băng đã giảm tỷ trọng dư nợ bất động sản so với những năm trước. Vì vậy, để huy động vốn cho các dự án, các doanh nghiệp địa ốc không có cách nào khác ngoài việc phát hành trái phiếu.

Kể từ ngày 1/9, Nghị định 81 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực nâng cao tiêu chuẩn, giới hạn về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Do đó, nhằm kịp huy động vốn trước khi các điều kiện phát hành bị siết, loạt doanh nghiệp bất động sản đã diễn ra cuộc tăng tốc phát hành trái phiếu, đẩy rủi ro về phía người mua.

Cuộc đua nghìn tỷ phát hành trái phiếu nhằm giải tỏa "cơn khát" vốn

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm 2020, tổng lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp tăng 61,3% so với cùng kỳ, ở mức 171.500 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành.

Đầu tiên phải kể tới Tập đoàn Apec vừa thông qua phương án phát hành 30 triệu trái phiếu Happy18Bond với lãi suất lên tới 18%, kỳ hạn 5 năm cho nửa cuối năm 2020. Tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Trái phiếu có mệnh giá phát hành là 100.000 đồng/trái phiếu. Theo kế hoạch, gói trái phiếu này sẽ chính thức phát hành vào tháng 09/2020.

Ngay khi Apec Group công bố kế hoạch phát hành gói trái phiếu Happy18Bond với lãi suất 18% đã lập tức gây xôn xao thị trường, bởi đây được xem là trái phiếu có mức lãi suất "siêu khủng", cao bậc nhất trong nhóm trái phiếu bất động sản hiện nay.

Với con số 18%/năm, mức lãi suất Apec Group đưa ra cao gấp đôi so với mặt bằng chung lãi suất trái phiếu đang ở mức 9%/năm. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, Apec Group đã "vượt mặt" hầu hết các "ông lớn" đang chi trả mức lãi suất cao hiện nay như Novaland, City Garden, Phát Đạt, Vinhomes…

Doanh nghiệp địa ốc “đua nhau” phát hành trái phiếu lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro - Ảnh 2.

Novaland là một trong những doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn phát hành lượng trái phiếu cực lớn.

Đại diện Tập đoàn Apec Group cho biết, tổng số tiền từ đợt phát hành sẽ được Tập đoàn Apec sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn nhằm phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh bền vững của Tập đoàn trong thời gian sắp tới.

Nhiều "đại gia" trong lĩnh vực bất động sản cũng đã chạy đua phát hành trái phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng nhờ vào lãi suất hấp dẫn.

Đơn cử như Tập đoàn Geleximco đã phát hành 9 lô trái phiếu trong tháng 7/2020 với tổng giá trị 269 tỷ đồng và 6 lô trái phiếu trong tháng 6/2020 với tổng giá trị 293 tỷ đồng. Cả 15 lô trái phiếu này đều có kì hạn 2 năm.

Nửa đầu năm 2020, TNR Holding đã huy động thành công 9.716 tỷ đồng trái phiếu. Nhóm TNG Holdings (gồm TNR Holdings và TNL Holdings) huy động được tổng cộng 13.590 tỷ đồng, đứng top đầu phát hành trái phiếu lớn nhất trong 6 tháng đầu năm.

Trong đó, quý 1/2020, TNR Holdings cũng đã huy động 5.347 tỷ đồng từ trái phiếu với 2 loại kỳ hạn 36 tháng và 60 tháng. Tất cả đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất cố định 10,9%/năm và trả lãi hàng năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Novaland cũng là một trong những doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn phát hành lượng trái phiếu cực lớn, lên tới 2.537 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 10,60%. Đáng chú ý, trái phiếu của Novaland chủ yếu được phát hành cho các trái chủ là Công ty Chứng khoán MB, MBBank và Vietinbank.

Trong tháng 7/2020, Novaland cũng có 3 đợt phát hành khác nhau với tổng giá trị trái phiếu lên đến 1.420 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng. Sang đầu tháng 8/2020, Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland liên tục thông qua 8 nghị quyết phát hành trái phiếu với tổng trị giá lên đến 2.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 của Novaland cho thấy, dư nợ vay trái phiếu dài hạn đạt 13.918 tỷ đồng, tăng gần 34,4% so với đầu năm nay.

Hay Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) đã huy động gần 1.800 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 8/2020. Trước đó vào cuối tháng 7, Becamex từng công bố kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu, tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc bên thứ ba.

Dù là doanh nghiệp niêm yết nhưng thông tin công bố của Becamex IDC cũng không nêu rõ lãi suất, chi tiết tài sản đảm bảo, các bên thu xếp vốn và trái chủ là ai.

Ngoài những "ông lớn" trên, còn nhiều doanh nghiệp bất động sản đang chạy đua phát hành trái phiếu như Tập đoàn Sovico phát hành trái phiếu đạt 1.550 tỷ đồng. Công ty Bất động sản Đông Dương với trị giá trái phiếu 1.200 tỷ đồng, lãi suất 12% cho kỳ hạn bốn năm...

Lãi suất cao đi kèm rủi ro

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là phương thức tốt để giải quyết thế khó về vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nhiều nhà đầu tư chỉ nhìn vào lãi suất để mua trái phiếu, không hề biết đến sức khỏe của doanh nghiệp phát hành, rất dễ rơi vào bẫy lãi suất doanh nghiệp giăng ra.

Ngoài ra, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn nên rất khó kiểm soát vấn đề liệu nguồn vốn huy động được doanh nghiệp có chắc chắn đầu tư cho dự án hay lại sử dụng để làm việc khác và như vậy nhà đầu tư có nguy cơ bị thiệt hại rất lớn.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng từng nói rằng, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao sẽ khiến cho áp lực trả lãi và gánh nặng tài chính gia tăng, gây bất ổn đến tính bền vững và sự ổn định của nền kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành trái phiếu lại quá phức tạp.

Do đó, rủi ro với nhà đầu tư khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh. Một rủi ro nữa là về thanh khoản, bởi thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến rủi ro của người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng.

Theo Bộ Tài chính, thị trường xuất hiện thông tin về việc một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất từ 14%/năm trở lên được coi là cao. Vì vậy, không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ những rủi ro có thể xảy ra.

Lê Tuấn
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.