Doanh nghiệp du lịch đối phó với “khủng hoảng COVID - 19”

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:00 PM 05/07/2020

Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi một số nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam...

    Từ kinh nghiệm của ngành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG khẳng định: sự bùng phát của dịch COVID-19 làm thay đổi cách vận hành của Chính phủ và của nền kinh tế.

    Bà Hương khẳng định, Dịch bệnh COVID-19 là một thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp du lịch. Tính đến tháng 6/2020, đã có 148 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ dịch COVID-19; trong khi đó, chỉ có hơn 100 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin cấp mới. Dự báo từ nay đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp đóng cửa vì khó khăn do dịch COVID-19 sẽ còn tăng mạnh.

    - Vậy bà có thể cho biết, đại dịch COVID-19 đã tạo áp lực như thế nào cho doanh nghiệp du lịch?

    Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi một số nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam. Theo kết quả cuộc khảo sát du khách nội địa hậu COVID-19 vừa qua do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thực hiện có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu du lịch ở Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại từ giữa tháng 4 ngay sau khi khi giãn cách xã hội được nới lỏng.

    COVID -19 cũng tác động đến thói quen mua sắm trực tuyến. Xu hướng này thể hiện qua tỷ lệ khách du lịch lựa chọn tự đặt tour trực tiếp (62%) và đặt phòng khách sạn/ tour qua nền tảng trực tuyến (44%) cao hơn trước đây.Khách du lịch cũng thể hiện sự quan tâm, lựa chọn điểm đến với các tiêu chí ưu tiên là vệ sinh môi trường, an toàn với dịch bệnh; gần 50% người được khảo sát lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày) và ưu tiên lựa chọn các gói sản phẩm dịch vụ được giảm giá, khuyến mại.

    - Trước tình hình mới này, chiến lược kích cầu du lịch đã được đưa ra như thế nào, thưa bà?

    Triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngày 08/5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du đã ban hành Kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” với mục tiêu kích cầu du lịch nội địa; đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

    Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của hầu hết các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên phạm vi cả nước và đã ghi nhận được những kết quả ban đầu, là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch có những định hướng, điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

    Các doanh nghiệp hiện đang tăng cường liên kết, xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch.

    Có thể nói chưa bao giờ nhu cầu liên kết gữa các doanh nghiệp trong ngành du lịch, giữa ngành du lịch với ngành giao thông vận tải lại trở nên cấp thiết như hiện nay. Cho đến nay, đã có gần 50 địa phương trên cả nước hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, tổ chức kết nối doanh nghiệp, hợp tác giữa du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí xây dựng các sản phẩm dịch vụ với nhiều ưu đãi và giá cả hợp lý; một số tỉnh đã đồng loạt công bố nhiều chương trình giảm giá từ 10 - 60% để kích cầu; tổ chức ký kết các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm.

    Đặc biệt, một số địa phương đã xây dựng và khai trương website kích cầu du lịch nhằm giúp du khách có thể tìm kiếm thông tin chính thức từ các doanh nghiệp, về các chương trình tour và tăng tính tương tác giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ.

    Việc tổ chức chương trình ưu đãi, liên kết giảm giá dịch vụ cần được ưu tiên để thu hút khách trở lại. Giảm giá không có nghĩa là phá giá; giảm giá không có nghĩa là giảm chất lượng dịch vụ. Giảm giá trong thời gian ban đầu để khôi phục thị trường sau đó sẽ từng bước khôi phục lại mức giá.

    Cũng không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án không giảm giá nhưng bổ sung các dịch vụ bổ trợ miễn phí. Cũng có nhiều doanh nghiệp áp dụng chiến thuật vừa giảm giá vừa gia tăng giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp lớn cần đóng vai trò dẫn dắt thị trường, không tạo ra cuộc chiến về giá cả, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các chương trình kích cầu du lịch.

    Bên cạnh việc liên kết, các doanh nghiệp du lịch cũng cần quan tâm đến thị trường ngách – thiết kế chương trình theo nhu cầu của từng nhóm khách hành; lựa chọn, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới của khách du lịch nội địa sau COVID – 19 đem lại sự tin cậy và tâm lý an toàn cho khách, đồng thời bắt nhịp các xu hướng mới của khách hàng…

    - Phía Tổng Cục du lịch có đề xuất gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa bà?

    COVID-19 và thời gian giãn cách xã hội đã tạo ra cơ hội cho các dịch vụ bán hàng online, marketing online; nếu như với nhiều người trước đây việc tra cứu thông tin, đặt hàng mua bán trực tuyến không phổ biến do trở ngại kỹ thuật hoặc lo ngại độ tin cậy thì bây giờ niềm tin, thói quen đã thay đổi căn bản. Ngành du lịch cũng phải thích ứng với sự thay đổi này.

    Cuối cùng là tập trung khôi phục thị trường nội địa nhưng chuẩn bị sẵn sàng phục hồi thị trường quốc tế.

    - Vậy, việc chuẩn bị cho hồi phục thị trường quốc tế được thực hiện cụ thể ra sao, thưa bà?

    Trong thời gian trước mắt các doanh nghiệp du lịch tập trung khôi phục thị trường nội địa nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng phục hồi hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

    Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp chung tay, chung sức để từng bước khôi phục thị trường.

    Bản thân mỗi doanh nghiệp du lịch cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới, đổi mới sáng tạo trong phương thức truyền thông, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch; cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về sản phẩm, dịch vụ, nhân lực, để khai thác tốt thị trường nội địa và đón dòng khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

    - Xin cảm ơn bà!

    Ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist):

    Hiện chúng tôi đã phải cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, đồng thời ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp. Tuy nhiên là chưa đủ, tác động quá lớn khiến nhiều dự án của doanh nghiệp đã phải dừng lại. Một số dự án như Pullman Quảng Bình cũng đã bị chậm lại, một số dự án sửa chữa đã phải xin tạm dừng.

    Mặc dù thị trường nội địa đang dần phục hồi, tuy nhiên khai thác du lịch khách quốc tế, đưa khách Việt ra nước ngoài vẫn chưa được phép hoạt động trở lại. Vì vậy, doanh nghiệp đang ngày càng gặp nhiều khó khăn.

    Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc SaiGontourist Hà Nội:

    Sau thời gian giãn cách xã hội doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ nguồn lực, chưa cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, những dấu hiệu để phục hồi du lịch chưa khởi sắc. Ngoài du lịch nội địa thì du lịch quốc tế và đưa người Việt Nam ra nước ngoài chưa được mở cửa. Trong khi đó, đây là nguồn chiếm tỷ trọng cao. Bên cạnh đó, đến hết tháng 6, nguồn tích luỹ của doanh nghiệp đã dần cạn. Do đó, doanh nghiệp đang rà soát lao động để có biện pháp mới trong những tháng tiếp theo.

    Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị được phép miễn thị thực và giảm thị thực cửa khẩu cho khách quốc tế vào Việt Nam. Đồng thời cho phép doanh nghiệp và lao động chậm nộp BHXH tới hết năm 2021.

    Thu Hằng
    Ý kiến của bạn
    IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

    Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.