Doanh nghiệp du lịch tái khởi động mùa cuối năm

Doanh nghiệp - Doanh nhân
12:21 PM 26/11/2021

Việc tái khởi động kích cầu du lịch là giải pháp cấp thiết nhất hiện nay nhằm phục hồi ngành du lịch trong những tháng cuối năm 2021.

Mở cửa du lịch quốc tế linh hoạt nhưng phải an toàn 

Sau 4 đợt dịch bùng phát, du lịch dường như đã bị “đóng băng” hoàn toàn. Việc khôi phục hoạt động của ngành du lịch là yêu cầu cấp bách. Để hiện thực hóa Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Chính phủ đã đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tại Công văn số 8044/VPCP-KGVX ngày 2/11.

Doanh nghiệp du lịch tái khởi động mùa cuối năm - Ảnh 1.

Mở cửa du lịch quốc tế linh hoạt nhưng phải an toàn. Ảnh: Nhân Dân

Ba ngày sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành văn bản về việc hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo các chuyên gia ngành du lịch, việc đồng ý chủ trương để ngành du lịch thích ứng trong giai đoạn này là một sự thay đổi lớn.

Khẩn trương mở cửa nhưng từng công đoạn đón khách đều được tính toán chặt chẽ. Rất nhiều cuộc họp, điện thoại đã được bàn thảo, trao đổi kỹ lưỡng để việc thí điểm đón khách hạn chế thấp nhất mọi rủi ro, bảo đảm an toàn cho người dân, du khách, những người tổ chức...

Lộ trình đón khách được thực hiện theo 3 giai đoạn căn cứ tình hình thực tế. Du khách sẽ đi theo hình thức “hộ chiếu vaccine”, đáp ứng các yêu cầu về tiêm chủng, xét nghiệm PCR và tham gia hình thức du lịch trọn gói của các doanh nghiệp lữ hành... sẵn sàng cho cả phương án kể cả khi có F0, F1 thì kỳ nghỉ của du khách vẫn được bảo đảm.

5 địa phương được chọn đón những vị khách quốc tế đầu tiên là Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam đều có những điều kiện, lợi thế cả về tiềm năng du lịch lẫn khả năng bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch cho du khách và người dân, sẵn sàng mọi điều kiện để mở cửa.

Đánh giá về tầm quan trọng trong việc mở cửa du lịch vào thời điểm này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Giai đoạn thí điểm là thời gian để ngành du lịch triển khai các biện pháp an toàn, hoàn thiện quy trình đón và phục vụ khách. Trên cơ sở xử lý tình huống phát sinh trong quá trình thí điểm, Việt Nam sẽ tiến đến mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch quốc tế theo lộ trình đã công bố”.

Chủ động kết nối để đón du khách

Đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty du lịch và địa phương đã sẵn sàng đón du khách quay lại. Các doanh nghiệp đang nỗ lực rất lớn để có thể kết nối, thúc đẩy du lịch khởi sắc trở lại. Nhưng các doanh nghiệp không chỉ muốn vực dậy mà còn hướng đến phát triển, tăng trưởng bền vững cả thị trường quốc tế lẫn nội địa.

Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên từ thị trường Hàn Quốc đi du lịch Việt Nam theo chương trình “hộ chiếu vắc xin” trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: TTXVN

Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên từ thị trường Hàn Quốc đi du lịch Việt Nam theo chương trình “hộ chiếu vắc xin” trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: TTXVN

Chẳng hạn, Công ty Vinpearl Discovery & VinOasis xác định sẽ là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác khôi phục lại du lịch quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh và đón đầu xu thế nghỉ dưỡng quốc tế cũng như triển khai linh hoạt các mô hình phù hợp để đón khách quốc tế.

Thời gian dịch bệnh phức tạp, công ty vẫn giữ kết nối với hệ thống đối tác du lịch - lữ hành trong và tại các thị trường Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... cũng như tìm cơ hội thúc đẩy và hỗ trợ để có phương án tổ chức đón khách từ các thị trường này đến Việt Nam an toàn, linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo hành trình du lịch hấp dẫn, chất lượng dịch vụ 5 sao đẳng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vừa qua, Phú Quốc đón thành công hơn 200 khách du lịch người Hàn Quốc sử dụng "hộ chiếu vắc xin" ngày 20/11 đã làm cho đảo ngọc như bừng lên sức sống mới. Tỉnh cũng chọn 13 khu lưu trú trên 8.000 phòng cho giai đoạn mở cửa đầu tiên từ đây đến cuối năm cùng với 9 điểm mua sắm. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Du lịch Việt Nam mở cửa đón khách an toàn", ông Bùi Quốc Thái - giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang bày tỏ: "Nếu thí điểm thành công, địa phương muốn xin mở rộng thêm quy mô đón khách vì các doanh nghiệp đều rất mong muốn được tái khởi động du lịch".

Cần thống nhất tiêu chí an toàn

Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã thành công thí điểm đón du khách quốc tế nhưng Việt Nam mới chỉ "hé cửa" đón khách. Điều cần nhất cho việc khôi phục và phát triển ngành du lịch và nền kinh tế là mở rộng cửa đón khách quốc tế. Để các DN thật sự yên tâm, các địa phương cần thống nhất tiêu chí an toàn và đón khách theo lộ trình bong bóng khép kín, tránh tối đa việc "nay mở, mai đóng" sẽ rất khó cho cả DN và du khách.

"Có một thực tế là cả DN và khách đều đang lưỡng lự. Vì nếu mở tour bán xong, có một vài ca F0 ở các điểm đến (không phải khách đi tour, không phải nhân viên du lịch) và địa phương quyết định "đóng cửa" trở lại thì sẽ gây thiệt hại cho cả DN và du khách, ngành du lịch. Đặc biệt, cả DN và điểm đến sẽ tốn sức lực để quảng bá, xúc tiến đón khách rồi lại loay hoay ứng phó. Do đó, nếu đã mở cửa trở lại cần thống nhất triển khai, thích ứng linh hoạt", ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, kiến nghị trên báo chí.

Doanh nghiệp du lịch tái khởi động mùa cuối năm - Ảnh 3.

Ngành du lịch đang từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Ảnh: Internet

Đồng quan điểm, ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cũng đề xuất cần một chính sách riêng cho việc khôi phục hoạt động du lịch, dẫu vẫn biết chống dịch là ưu tiên hàng đầu. DN cần lộ trình mở của địa phương, cũng như các biện pháp phòng dịch của ngành du lịch phải nhất quán, có thời gian cụ thể, có thể là tour khép kín để dịch không lây ra cộng đồng ở địa phương đến…

Ông Huy góp ý: "Không phải cứ mở cửa trở lại là du khách sẵn sàng đi ngay, DN cũng không dễ có khách liền. Do đó, để những chương trình liên kết, xúc tiến du lịch đạt hiệu quả, DN cần cả những phương án đón khách trong trường hợp điểm đến đó "chuyển màu dịch" nhưng vẫn có thể chào đón khách theo dạng bong bóng khép kín".

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tái khởi động du lịch đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan như y tế, giao thông, công an… để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và quy trình đón khách an toàn tại điểm đến. Các địa phương cần biến những thách thức thành cơ hội trong việc cơ cấu lại thị trường, ứng dụng công nghệ, đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm cũ, quảng bá các chương trình phù hợp với nhu cầu của thị trường trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, các địa phương cần nhận thức đầy đủ cả về thách thức và cơ hội khi mở cửa, với các biện pháp, lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn
Quảng Ninh lần thứ 6 đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính Quảng Ninh lần thứ 6 đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính

Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cả nước.