Doanh nghiệp Đức tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Diễn đàn
05:24 PM 09/06/2022

Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới với gần 93% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Ngày 8/6, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức họp báo công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp (DN) Đức tại Việt Nam.

Theo cuộc khảo sát được các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức thực hiện với 4.200 doanh nghiệp nước này tại 92 quốc gia, 60,7% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết tình hình sản xuất kinh doanh ở Việt Nam không thay đổi, 35,7% thấy tốt lên và chỉ 3,6% doanh nghiệp có hoạt động giảm đi.

Trong khi đó, khi được hỏi về đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong 12 tháng tới, có tới gần 93% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trả lời khảo sát đánh giá tích cực. Cụ thể, 64,3% doanh nghiệp đánh giá kinh doanh sẽ tốt lên trong 12 tháng tới, 28,6% đánh giá sẽ không thay đổi và chỉ có 7,1% cho rằng sẽ bị giảm đi.

Doanh nghiệp Đức tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đánh giá cho rằng, việc mở cửa biên giới và các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tin tưởng vào triển vọng kinh doanh, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 nhiều hơn so với thời điểm mùa thu năm 2021. 

Vì thế, có tới gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, hơn 46% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới và 50% cho biết sẽ giữ nguyên số lượng nhân sự hiện tại.

Lý giải về nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Đức, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có vị trí rất thuận lợi so với các quốc gia trong khu vực. Tại đây các doanh nghiệp Đức có thể dễ dàng giao thương với khu vực ASEAN, cũng như xuất khẩu các mặt hàng đi thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam có một lợi thế là 1 trong 2 nước duy nhất trong khu vực có FTA với EU (EVFTA), nên rất được các doanh nghiệp Đức quan tâm.

Theo AHK, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, việc triển khai EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Họ thường xuyên tận dụng FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và CPTPP.

Các doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng, các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, vận tải và logistics.

Đánh giá cao những yếu tố thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cũng cho biết, môi trường đầu tư tại Việt Nam có lợi thế về sự ổn định, chất lượng giáo dục khá, nhưng hạn chế về năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ so với một số nước ASEAN và Thái Lan. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao.

Theo đó, để phát huy lợi thế vốn có của môi trường đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Đức cho rằng, không cách nào khác Việt Nam phải tăng cường năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9 Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sáng nay (13/9) đường sắt đã thử tải an toàn qua cầu Long Biên và cầu Đuống. Từ chiều nay các đoàn tàu sẽ chạy trở lại trên 2 cầu Long Biên và cầu Đuống.