Doanh nghiệp F&B tìm cơ hội trong giai đoạn “đáy” của thị trường

Kinh doanh
12:03 PM 06/10/2023

Cuối năm 2023 được coi là giai đoạn “đáy” của thị trường dịch vụ ăn uống (F&B), tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành hàng này vẫn nỗ lực duy trì năng lực tài chính để hy vọng thị trường "thoát đáy"...

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) ở ngành hàng F&B hồi tháng 9/2023 của Vietnam Report, tỷ lệ DN ghi nhận tăng doanh thu đã giảm theo sức mua của người tiêu dùng. Từ năm 2022 đến năm 2023 đã giảm 3,9%. Đáng chú ý, tỉ lệ DN ghi nhận giảm lợi nhuận (41,7%) lớn hơn đáng kể tỷ lệ DN giảm doanh thu (33,3%).

Doanh nghiệp F&B tìm cơ hội trong giai đoạn “đáy” của thị trường - Ảnh 1.

Ngành hàng F&B sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể tìm kiếm cơ hội cho mình để “thoát đáy” thị trường trong 3 tháng cuối năm nay. Ảnh: VnEconomy

Tuy vậy, về triển vọng trong 3 tháng còn lại của năm 2023, phần lớn DN cho rằng thị trường F&B sẽ lạc quan hơn so với hồi đầu năm. Thế nhưng tỷ lệ này giảm rất nhiều so với năm trước, từ 94,4% xuống 61,6%. Bên cạnh đó, 15,4% DN cho rằng thị trường F&B sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi khảo sát năm 2022 không có DN nào nhận định như vậy.

Theo Vietnam Report, tăng trưởng ngành F&B từ nay cho đến cuối năm 2023 chủ yếu dựa trên ba động lực.

Thứ nhất là mặt bằng lãi suất giảm giúp doanh nghiệp F&B giảm chi phí vốn vay và tăng khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phát triển các kênh phân phối.

Thứ hai là nhiều dấu hiệu cho thấy lượng khách quốc tế đang trong quá trình phục hồi, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới.

Thứ ba là xu hướng chuyển dịch từ các kênh truyền thống sang hiện đại tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng cho các DN trong ngành.

Với ba động lực trên, các doanh nghiệp F&B vẫn có thể tìm kiếm cơ hội cho mình để “thoát đáy” thị trường trong 3 tháng cuối năm nay. Điều quan trọng là họ cần lựa chọn những hướng đi mới, kiểm soát chi phí đầu vào, nguyên vật liệu để có thể kinh doanh hiệu quả.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, theo iPOS.vn, các doanh nghiệp F&B Việt Nam cần tập trung vào nắm bắt nhu cầu thị trường và tối ưu hóa trải nghiệm của thực khách. Nhiều chuyên gia kiến nghị, các thương hiệu F&B có thể đưa ra những sản phẩm mới, tái cấu trúc menu với mức giá hợp lý hơn, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Hạn chế chi phí vận hành cũng là một giải pháp hiệu quả để duy trì dòng doanh thu và tránh rủi ro trong thời điểm 6 tháng cuối năm này. Dù phải chấp nhận biên lãi mỏng hoặc không có lãi trong giai đoạn này, việc duy trì hoạt động ổn định sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại và chờ đợi thời điểm kinh tế sáng sủa hơn để phát triển.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp F&B cũng cần chú trọng vào các dịp nghỉ lễ hoặc những ngày đặc biệt để thu hút và giữ chân khách hàng. Xây dựng các gói combo lễ, giảm giá khi đặt bàn trước, tặng quà vào ngày sinh nhật,… sẽ tạo sự độc đáo và đặc biệt cho doanh nghiệp F&B, từ đó giúp khách hàng nhớ đến DN trong những dịp quan trọng.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn