Doanh nghiệp "hiến kế" phục hồi thị trường sau bão COVID -19
Nhiều doanh nhân Việt đã đưa ra nhóm giải pháp, kiến nghị giúp kinh tế Việt Nam dần hồi phục, vượt qua cơn "bĩ cực" từ bão COVID -19.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh nhiều lĩnh vực ngành nghề đã chịu thiệt hại nặng nề, do buộc phải tạm dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nhân đánh giá vẫn còn nhiều cơ hội nhìn từ tiềm năng, thế mạnh trong nước để vực dậy và đề xuất những ý tưởng, cách làm hay để phục hồi nền kinh tế.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, nền kinh tế nước ta phát triển còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu từ các nước, nhất là thị trường Trung Quốc. Khi dịch bệnh xảy ra, mọi hoạt động thương mại đình trệ do các biện pháp cấm cảng, cấm biên, được thực hiện nghiêm ngặt. Không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng rơi vào tình trạng bị động vào thị trường này. Do đó ngay từ lúc này chúng ta nên vực dậy từ nội tại, dựa vào các nhóm ngành nghề vốn được cho là thế mạnh ở trong nước.
Cần vực dậy từ những ngành nghề được cho là thế mạnh từ trong nước
Đại diện một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp quản trị tinh gọn phân tích, Việt Nam có thế mạnh từ nông nghiệp như: Các cánh đồng mẫu lớn, vựa hoa quả, trái cây từ các vùng miền, cộng thêm nguồn tài nguyên biển cung cấp lượng hải sản dồi dào... Vị doanh nhân này cũng đánh giá, đây chính là ngành chịu tác động ít nhất do dịch bệnh, trong đó lương thực luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác cung cấp nhu yếu phẩm và bảo vệ nhu cầu an ninh lương thực quốc gia.
Trước tình hình rủi ro từ dịch bệnh, để phục hồi ngành nông nghiệp, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn dân cùng chung tay thực hiện chiến lược cải cách nguồn đất, giống cây trồng, giúp từng địa phương duy trì tự chủ được thực phẩm, khôi phục ngành nông sản, tiếp đến sẽ là ngành công nghiệp phụ trợ, (cơ khí máy móc phục vụ trong nông nghiệp) và sau đó dần phục hồi thị trường tiêu thị trong nước và xuất khẩu của các nhóm ngành nghề nhằm ứng phó với những rủi ro từ dịch virus Corona vừa qua.
Đề xuất ý kiến của mình, Đại diện Công ty CP MISA phân tích, nhiều năm qua Việt Nam là nước có thế mạnh phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, hạ tầng mạng internet và sắp tới là chuyển đổi số. Do đó chúng ta nên tận dụng cơ hội này, đặc biệt trong hoàn cảnh hạn chế làm việc trực tiếp, tụ tập như hiện nay thì mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được tận dụng tối đa nhất để quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Để khôi phục khối doanh nghiệp SME, và các doanh nghiệp ảnh hưởng, tôi cho rằng các cơ quan ban ngành nên khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công cụ làm việc từ xa, sử dụng các phần mềm tiện lợi như chữ ký số, hóa đơn điện tử trong thanh toán, quyết toán...thúc đẩy ứng dụng CNTT để tiết kiệm chi phí, thời gian và đem lại kết quả cao trong điều hành doanh nghiệp.
Chia sẻ về quan điểm của mình, Doanh nhân Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho biết, để ứng phó với những rủi ro từ dịch virus corona vừa qua, cần có một chiến lược ở tầm doanh nghiệp và ở tầm quốc gia.
Ông Phú đánh giá trong tiến trình toàn cầu hóa, có những doanh nghiệp đã nội địa hóa được 90-95%, nhưng vẫn phụ thuộc vào một số nguyên phụ liệu nhỏ từ Trung Quốc. Do đó, ông cho biết doanh nghiệp nên có chiến lược dự trữ nguyên, phụ liệu thông minh, quan trọng để phục vụ trong quá trình sản xuất tối thiểu là 3 tháng. "Vì mua nguyên phụ liệu này vừa mất thời gian đặt hàng, lại khó mua, khi tình trạng bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì không thể mua nổi...Đây cũng là nguyên nhân chính gây đứt chuỗi cung ứng do thiếu nguyên liệu"- Ông Phú nói.
Ở tầm quốc gia, Chính phủ cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dài hơi hơn, xác định rõ những nguồn nguyên phụ liệu quan trọng, ảnh hưởng nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành, để có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nhà máy ngay trong nước, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, từ đó xây dựng kinh tế tự chủ, ít phụ thuộc vào bên ngoài. Việc này giúp doanh nghiệp tự chủ và phát triển bền vững không phụ thuộc vào các nước.
Bên cạnh đó, ở góc độ kinh doanh thương mại, Ông Phùng Anh Khoa, trưởng bộ phận IT của Chanel Việt Nam nhận định, việc áp dụng làm việc từ xa nên đi theo một lộ trình dựa trên văn hóa doanh nghiệp. Bản thân là một công ty đa quốc gia, chuyên bán lẻ thời trang với nhiều cửa hàng và văn phòng, Chanel Việt Nam cho biết đã manh nha triển khai hệ thống làm việc từ vài năm trước.
“Làm việc từ xa không nên thực hiện sơ sài cho qua mùa dịch mà phải từng bước tăng tính cam kết thực hiện của toàn bộ nhân viên. Đầu tiên là phải lên các khung quy định cơ bản, tiếp đó mới tìm hạ tầng cơ sở phù hợp, chọn công cụ, cập nhật các công cụ để tối ưu hóa…,” ông Khoa nói.
Với các doanh nghiệp sản xuất, đây là cơ hội để tìm kiếm cơ hội và mở rộng chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, nền kinh tế nước ta đã phát triển theo hướng sản xuất thông minh, bền vững, hiệu quả. Hiện Chính phủ đã có đề án tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng ông cho rằng phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình này.
Trong đó, cần có cơ chế tốt giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích người Việt Nam tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam sản xuất.
“Chúng ta phải coi đó là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Hiện nay ở một số nơi việc tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, chưa thực chất, chưa được quan tâm đúng mức. Cái đó các bộ, các ngành phải quan tâm và đi đầu...”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh cần khơi dậy nội lực trong nước, lấy đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động từ bên ngoài.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.