Doanh nghiệp ICT tìm hướng đi mới
Thị trường bán lẻ điện máy, công nghệ ICT được cho là đang bước vào giai đoạn bão hòa và chịu áp lực cạnh tranh gay gắt... Đứng trước tình hình này, các nhà bán lẻ ICT đang tìm hướng đi mới bằng việc phát triển đa kênh.
Báo cáo của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán ABS dự báo, thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là điện thoại và thiết bị điện tử tiêu dùng tại Việt Nam, đang dần bước vào giai đoạn bão hòa với tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 5% CAGR từ năm 2025 đến 2030. Chu kỳ thay thế thiết bị kéo dài và sức mua suy giảm khiến biên lợi nhuận của ngành bán lẻ ICT chịu áp lực rõ rệt.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phân phối và bán lẻ lớn đang mạnh mẽ tái định hình chiến lược, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngoài lĩnh vực công nghệ.
Với nhận định ngành hàng công nghệ không còn là động lực chính, trong tài liệu ĐHĐCĐ 2025, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đặt cược vào chuỗi bán lẻ thực phẩm - hàng thiết yếu Bách Hóa Xanh (BHX). Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: đạt doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030 và chiếm 20% thị phần ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.
Chiến lược này dựa trên sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm, từ chợ truyền thống sang siêu thị mini và nền tảng online. MWG xác định BHX là động lực tăng trưởng then chốt của tập đoàn trong 5 năm tới.
Trong năm 2025, MWG sẽ tập trung tối ưu hiệu quả vận hành chuỗi hiện tại, phát triển BHX Online (mục tiêu tăng trưởng 300%), mở thêm 200-400 cửa hàng, đồng thời mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp FMCG và triển khai dịch vụ tài chính đi kèm. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm tươi sống.
Dù vẫn giữ vị thế đứng đầu trong phân phối ICT, Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) đang tích cực mở rộng sang các ngành hàng mới như thiết bị điện gia dụng, văn phòng, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe. Trong chia sẻ mới đây, lãnh đạo công ty đặt kỳ vọng thiết bị văn phòng và gia dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính năm 2025, với doanh thu dự kiến lần lượt 5.480 tỷ (tăng 25%) và 1.340 tỷ đồng (tăng 35%).
DGW cũng kỳ vọng doanh số máy lạnh sẽ bứt tốc trong mùa hè năm nay. Riêng mảng thiết bị văn phòng được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng dài hạn trên 25%, nhờ làn sóng chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp. Trong khi đó, các mảng truyền thống như điện thoại và laptop chỉ đặt mục tiêu tăng nhẹ (9-12%), phản ánh thực tế thị trường đã bão hòa.
DGW kỳ vọng yếu tố nâng cấp thiết bị (do Microsoft ngừng hỗ trợ Windows 10) và sự xuất hiện của công nghệ AI sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm bán ra.
Công ty Cổ Phần Bán Lẻ Kỹ Thuật Số FPT (FRT) cũng xác định động lực chính cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo không còn đến từ FPT Shop, mà đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu. Theo định hướng đã đề ra, chuỗi này sẽ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, đầu tư vào nền tảng công nghệ, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ dược phẩm.
Trước năm 2020, Long Châu vẫn là mảng chưa sinh lãi trong hệ sinh thái FRT. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tạo cú huých cho ngành dược phẩm, giúp chuỗi này nhanh chóng mở rộng, nâng cao hiệu quả vận hành. Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt khi Long Châu lần đầu có lãi với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Những năm sau đó, chuỗi liên tục tăng trưởng mạnh và dần trở thành trụ cột doanh thu của FRT. Trên thực tế, ban lãnh đạo công ty đã thể hiện rõ định hướng chiến lược khi dần thu hẹp quy mô chuỗi FPT Shop để tái phân bổ nguồn lực phát triển Long Châu với tham vọng lớn hơn.
Theo các chuyên gia, trong cuộc chạy đua, giành giật thị phần, khó tránh có những chuỗi bán lẻ hàng điện máy, công nghệ sẽ tiếp tục sắp xếp lại hệ thống, kể cả sẵn sàng đóng cửa những cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Điều này nhằm thích nghi trong bối cảnh mới khi tiêu dùng đi ngang thậm chí đi xuống.
Trước thách thức về mặt tăng trưởng doanh thu, ông Nguyễn Hải Triều, sáng lập và điều hành của PrimeData, cho rằng để cải thiện tình hình, điều mà các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ cần làm là phải giải được “bài toán” giữ chân khách hàng trung thành khi phát triển đa kênh, điển hình như việc chuyển hướng vào kênh bán hàng online.
Để tìm lại “hương vị” tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không phải là điều dễ dàng với nhà bán lẻ điện máy và công nghệ một khi thị trường đang bão hòa. Nhưng, trước mắt nếu không muốn mất “miếng bánh” thị phần và thất thế trên thị trường đòi hỏi họ cần có cái nhìn thấu đáo hơn các kênh bán hàng của mình.
Trong đó, việc phát triển đồng bộ các kênh bán hàng là điều mà các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ cần làm. Sự thành công của các kênh này đòi hỏi bản thân DN cần có một chiến lược tổng thể và linh hoạt, nhằm tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, không phụ thuộc vào một kênh bán hàng duy nhất. Đặc biệt là cần thích ứng trước sự chuyển đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng ICT/CE sang online, có thể sẽ tác động mạnh mẽ lên các “gã khổng lồ” bán lẻ trong trung hạn.
An Mai (t/h)
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương công bố về việc lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu về ngày 5/5/2025, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025.