Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp 600 nghìn tỷ đồng

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:28 AM 16/05/2020

Để tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi trong mùa dịch, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, chứng minh được dòng tiền và hiệu quả của dự án.

Đầu tháng 3/2020, Chính phủ chính thức thông báo gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân vay trong mùa dịch Covid-19. Tính đến ngày 17/4/2020, gói tín dụng này có quy mô lên đến 600.000 tỷ đồng, dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và khách hàng cá nhân.

Thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ “than” rằng, khi họ tìm đến ngân hàng thì nhiều ngân hàng nói chưa thể cho vay vì chưa có hướng dẫn, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19…

Câu hỏi đặt ra: “Gói vay ưu đãi nào dành cho những doanh nghiệp đó?”. Theo một chuyên gia tài chính đề xuất, Chính phủ cần một gói riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và mức độ ít nhất 2% GDP lên khoảng 150.000 tỷ đồng, có thể qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc từ ngày 03/01/2020 là thời điểm dịch mới xảy ra dù chưa xác định được mức độ thiệt hại. Dựa vào diễn biến dịch bệnh, các biện pháp, chính sách cũng đã lần lượt được ban hành và ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh và có phương án khả thi thì sẽ được ngân hàng cho vay với  lãi suất giảm so với trước khi dịch xuất hiện. Nhưng nếu muốn làm được, các tổ chức tín dụng phải tổ chức rà soát, đánh giá yếu tố pháp lý của các doanh nghiệp, xem khách hàng nào ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp. Trên cơ sở đó, áp dụng mức giảm lãi suất cho phù hợp, tùy vào chính sách của các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, ngân hàng khó có thể triển khai nhanh. Vì các ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp trên cơ sở có khả năng, không phải hỗ trợ vô điều kiện. Các ngân hàng phải giảm chi phí, tiền lương, các khoản thưởng, không chia cổ tức để hỗ trợ doanh nghiệp.

Gói hỗ trợ tín dụng 600.000 tỷ đồng thể hiện thông điệp: Ngành ngân hàng không thiếu tiền, vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, sức hấp thụ của nền kinh tế đã giảm khá mạnh trong thời gian qua. Do đó, doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi trong mùa dịch phải có tài sản đảm bảo, chứng minh được dòng tiền và hiệu quả của dự án. Đây là nguồn vốn tự nguyện của ngân hàng, không phải vốn ngân sách. Ngân hàng cho vay phải thu hồi được cả vốn và lãi.

Doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo cần để ngân hàng quản lý dòng tiền, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cho vay để đảm bảo an toàn về vốn, ít rủi ro. Khoản vay ưu đãi này không giống với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009.  Ngân sách nhà nước bù đắp vào chênh lệch lãi suất khi cho vay ưu đãi. Lần này, trừ ngân hàng Chính sách xã hội, khoản vay này là ưu đãi của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Vì vậy, khi xem xét khoản cho vay này, ngân hàng phải tuân thủ quy định, quy chế của họ trong thực hiện các khoản vay.

Về phía các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nền tảng, điều kiện, tích lũy chưa có nhiều. Nếu doanh nghiệp không có kế hoạch phát triển sau dịch thì việc đi vay ngân hàng trong mùa dịch sẽ trở thành gánh nặng cho chính họ và ảnh hưởng đến cả hoạt động của ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng, điều kiện ổn định, thanh khoản  tốt, sau dịch thị trường ổn định rồi thì hồi phục lại. Giải pháp tài chính tốt giống như lò xo bật lại. Doanh nghiệp phát triển tốt hơn, cân bằng lại giai đoạn khó khăn trong giai đoạn hiện nay. 

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH

Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.