Doanh nghiệp không muốn thoái vốn trong lĩnh vực đang phát triển mạnh, lợi nhuận cao
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc doanh nghiệp không muốn thoái vốn trong lĩnh vực đang phát triển mạnh, có tỷ suất lợi nhuận cao, cũng làm cho tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm.
Liên quan đến nguyên nhân cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp chậm, tại phiên Chất vấn Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là gần đây có nhiều nguyên nhân tác động đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, trước hết là dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, căng thẳng quốc tế... ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và thế giới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp cổ phần hóa phải cân nhắc thời điểm và phê duyệt phương án, thời điểm bán cổ phần.
Thứ hai là cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua đã được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhằm tăng cường công khai minh bạch hơn trong quá trình cổ phần hóa và tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoàn thành việc xác lập hồ sơ quản lý về đất đai, tài sản trước khi cổ phần hóa. Do đó, việc rà soát phương án cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là các vấn đề về đất đai, lịch sử, pháp lý rất phức tạp.
Thứ ba, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này hầu hết là doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, hoặc các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương... nên việc cổ phần hóa phải tiến hành thận trọng, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị doanh nghiệp và không làm thất thoát vốn của nhà nước.
Theo Bộ trưởng Dũng, việc doanh nghiệp không muốn thoái vốn trong lĩnh vực đang phát triển mạnh, có tỷ suất lợi nhuận cao, cũng làm cho tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị thoái vốn đang bị cơ quan phát luật thực hiện thanh tra, kiểm tra nên quá trình này bị chậm lại.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, Bộ trưởng Dũng cũng cho hay, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp chậm còn có các nguyên nhân chủ quan như việc tổ chức của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước... chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành danh mục cổ phần hóa, thoái vốn chưa sát với thực tế. Ngoài ra, vai trò của người đứng đầu các đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong đổi mới hoạt động của doanh nghiệp...
Hơn nữa, đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp không chủ động triển khai các chính sách của nhà nước, cho đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất... gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ cổ phần hóa.
Hồng SơnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.