Doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội về phí hạ tầng cảng biển

Diễn đàn
11:00 AM 08/04/2022

Các Hiệp hội cho rằng việc Hải Phòng và TP.HCM thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển là không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

5 Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa kiến nghị vừa có văn bản kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải đường thủy nội địa.

Doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội về phí hạ tầng cảng biển - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các Hiệp hội gồm Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý, Môi giới và dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), và Hội Vận tải thủy Nội địa Việt Nam.

Văn bản nêu rõ: Thành phố Hải phòng (từ năm 2017 đến nay) và Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1/4/2022) thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển) không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa.

Lý giải về sự bất hợp lý này, các hiệp hội cho rằng hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.

Cụ thể, vận tải đường thủy sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, gồm: đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, khu neo đậu ngoài cảng, kè, đập giao thông và các công trình phụ trợ khác về giao thông thủy (do Bộ GT-VT quản lý). Trong khi đó, phương tiện vận tải bằng đường thủy không sử dụng kết cấu hạ tầng công cộng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển, không gây ùn tắc giao thông (do địa phương quản lý), phương tiện thủy nội địa thường nhỏ, mớn nước thấp chỉ từ 3 - 6,5 m sử dụng tuyến luồng tự nhiên.

Mặc dù việc ban hành Nghị quyết và thu phí là đúng với thẩm quyền của HĐND thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc thu phí với những bất cập trên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

"Trái với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia; Không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải cacbon vào môi trường theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26", các Hiệp hội doanh nghiệp đánh giá.

Văn bản của 5 Hiệp hội doanh nghiệp cũng cho biết mặc dù nhận được văn bản của các Hiệp hội, ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2020, nhưng TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các Hiệp hội, không tổ chức đối thoại, làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, các Hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát việc ban hành văn bản pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, các Hiệp hội cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét dành thời gian làm việc trực tiếp với các Hiệp hội để các Hiệp hội, doanh nghiệp được gặp mặt, báo cáo, kiến nghị đầy đủ, chi tiết về những nội dung bất cập.

Trước đó, từ ngày 1/1/2017, TP. Hải Phòng đã chính thức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển. Gần đây, từ ngày 1/4/2022, Tp. HCM cũng đã bắt đầu thu loại phí này.

Việc này gây nhiều băn khoăn cho các Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển. Các Hiệp hội, doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản đến TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh cũng như các bộ, ngành và cấp có thẩm quyền để đề xuất các vấn đề liên quan đến việc thu loại phí này.

Thương Hoài (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.