Doanh nghiệp kinh doanh vận tải: Muôn vàn khó khăn trong năm 2022

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:34 AM 30/03/2022

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành dữ dội, mặc dù ngành giao thông vận tải đặt quyết tâm rất cao, khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả, nhưng khách quan phải nhìn nhận rằng, năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành vận tải. Để bạn đọc có cái nhìn rõ nét và toàn diện hơn về vấn đề này, chúng tôi đã thực hiện bài phỏng vấn với ông Phạm Quyết Chiến – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Du lịch Hai Bảy Bảy – người đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành dữ dội, mặc dù ngành giao thông vận tải đặt quyết tâm rất cao, khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hoạt động thông suốt, an toàn, hiệu quả, nhưng khách quan phải nhìn nhận rằng, năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành vận tải. Để bạn đọc có cái nhìn rõ nét và toàn diện hơn về vấn đề này, chúng tôi đã thực hiện bài phỏng vấn với ông Phạm Quyết Chiến – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Du lịch Hai Bảy Bảy – người đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành.

- Phóng viên (PV): Chào ông! Ông có thể khái quát vài nét về thực trạng của ngành kinh doanh vận tải ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện nay?

- Ông Phạm Quyết Chiến: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 quá lớn, quá nặng nề, khiến cho nền kinh tế trong cả nước bị đứt gãy và thiệt hại nghiêm trọng. Ngành kinh doanh vận tải cũng không thoát khỏi thực trạng đó. Chỉ riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng chục doanh nghiệp và hợp tác xã có quy mô nhỏ và vừa phải giải thể, nhất là các đơn vị kinh doanh mảng vận tải du lịch, các doanh nghiệp lớn cũng phải thu gọn quy mô bằng hình thức nhượng quyền thương hiệu hoặc thanh lý bớt xe để chuyển vốn đầu tư vào lĩnh vực khác. Thực tế khó khăn là vậy, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước chưa quyết liệt vào cuộc, thậm chí có nơi còn đưa ra thêm các quy định gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải:  Muôn vàn khó khăn trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Phạm Quyết Chiến - Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Du lịch Hai Bảy Bảy bìa phải.

- PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn các doanh nghiệp trong ngành vận tải hiện nay đang gặp những khó khăn gì?

- Ông Phạm Quyết Chiến: Điều khó khăn lớn nhất mà hiện nay chúng tôi gặp phải là vấn đề về đăng kiểm. Do thời gian giãn cách kéo dài, lượng xe đăng ký chờ được đăng kiểm rất lớn, không thể đưa số xe này vào hoạt động khiến doanh nghiệp bị tổn thất nặng. Về vấn đề này, từ cuối năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tìm cách giải quyết nhưng đến giờ vẫn còn tồn đọng.

Khó khăn thứ hai là các quy định về phòng, chống COVID-19 mỗi nơi làm mỗi kiểu. Xe đi qua mỗi tỉnh phải "đối phó" với các tình huống khác nhau. Ngoài ra, quy định về lượng khách chuyên chở của từng loại xe cũng gây thiệt hại khá lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Bộ Tài chính chưa cập nhật đơn giá vận tải mới.

Khó khăn thứ ba, tôi cho rằng cũng quan trọng không kém đó là về vốn. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị về việc yêu cầu các ngân hàng phải có chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19, là doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Vấn đề cuối cùng là tâm lý của người tiêu dùng. Trải qua đợt đại dịch phức tạp, người dân có tâm lý "sợ đám đông", thà sử dụng xe riêng, dù là xe máy hay xe đạp, rất ít người đi xe buýt hoặc taxi.

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải:  Muôn vàn khó khăn trong năm 2022 - Ảnh 2.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng xe taxi, Công ty Vận tải Du lịch Hai Bảy Bảy đã đầu tư mới nâng cấp toàn bộ xe taxi.

- PV: Là một người có kinh nghiệm đã kinh doanh lâu năm trong nghề, theo ông chúng ta phải làm gì để tháo gỡ những khó khăn trên?

- Ông Phạm Quyết Chiến: Theo tôi, để giúp các doanh nghiệp trong ngành vận tải có thể vượt qua giai đoạn đầy thử thách cam go này thì phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có một giải pháp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến các địa phương. Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách nghiêm túc, triệt để, vừa chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế. Các địa phương không nên ban hành thêm các quy định riêng. Các cơ quan Trung ương, cụ thể là các bộ: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cũng cần có sự nhất quán khi ban hành các Thông tư, văn bản trong quản lý ngành. Ngành ngân hàng cũng cần có những giải pháp đồng bộ, kể cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cổ phần để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, vượt qua giai đoạn trước mắt.

Về bản thân các doanh nghiệp trong ngành cũng phải tự vận động, không nên ỷ lại đẩy hết "quả bóng" trách nhiệm cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Phải tính toán lại cơ cấu vốn đầu tư, xem xét cụ thể trong từng trường hợp để chủ động một cách tích cực. Thường xuyên tập huấn cho tài xế về các phương pháp phòng chống dịch an toàn, chọn lựa các kênh truyền thông rộng rãi cho khách hàng.

- PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn.

Lê Hải (thực hiện)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.