Doanh nghiệp mía đường kỳ vọng một giai đoạn mới "ngọt ngào" hơn

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:47 PM 16/08/2021

Khép lại niên độ 2020 - 2021 (bắt đầu từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm nay – trùng với vụ mía), nhiều doanh nghiệp ngành mía đường công bố kết quả kinh doanh khá khả quan và đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, kỳ vọng một niên độ kinh doanh mới sẽ "ngọt ngào" hơn.

Trong năm tài chính, nhiều doanh nghiệp ngành mía đường đã công bố kết quả kinh doanh rất tích cực.

Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã SLS) khi lợi nhuận sau thuế của cả niên độ 2020 - 2021 đạt 164 tỷ đồng, tăng 38% dù doanh thu sụt giảm nhẹ so với kỳ trước (giảm 23,6%) ghi nhận 801 tỷ đồng. Với kết quả này, SLS đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm tài chính tới 138 tỷ đồng.

Doanh nghiệp mía đường kỳ vọng một giai đoạn mới "ngọt ngào" hơn - Ảnh 1.

Ngành mía đường được hưởng lợi nhờ giá đường thế giới tăng mạnh. Ảnh: Nguoiduatin.vn

Riêng quý IV của niên độ tài chính 2020-2021, SLS ghi nhận 76 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 31% so với cùng kỳ và đóng góp 46,3% vào tổng lợi nhuận cả năm.

Tiếp sau là Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã LSS). Trong quý cuối niên độ tài chính vừa qua, Công ty đạt doanh thu 831 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 82,5% và 120% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, Công ty đạt doanh thu 1.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, tăng 9,3% về doanh thu và 27% về lợi nhuận so với niên độ tài chính trước.

Trong khi đó, KTS vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV niên độ tài chính 2020 - 2021 với doanh thu đạt 80, 4 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nhờ giá vốn thấp hơn, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 3,34 tỷ đồng, tăng tốt so với con số 0,9 tỷ đồng của cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, Công ty ghi nhận doanh thu 248,2 tỷ đồng, tăng 62% so với kỳ trước; lợi nhuận sau thuế đạt 5,87 tỷ đồng, tăng 196% so với kỳ trước.

Không đứng ngoài cuộc đua tăng trưởng của ngành đường, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) cho biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, Công ty có doanh thu 3.689 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 521,5 tỷ đồng, tăng trưởng 13% về doanh thu và hơn 19% về lợi nhuận so với nửa đầu năm ngoái.

Doanh nghiệp mía đường kỳ vọng một giai đoạn mới "ngọt ngào" hơn - Ảnh 2.

Lợi nhuận của doanh nghiệp ngành mía đường khởi sắc. Ảnh: Thanh Niên.

Năm 2021, QNS đặt kế hoạch 8.000 tỷ đồng doanh thu và 913 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, QNS đã lần lượt thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận.

Lý do khiến ngành mía đường tăng trưởng khả quan thời gian qua được cho là do Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá 42,99% và thuế chống trợ cấp 4,65% với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Quyết định này đối với ngành mía đường Việt Nam là một "tia sáng bình minh", báo hiệu cho giai đoạn mới, là mốc lịch sử của ngành; giúp cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước hồi phục trở lại sau khi chịu cạnh tranh về giá từ đường Thái Lan từ đó tăng lại sản lượng sản xuất và thu hẹp lại khoảng cách giá đường thế giới và Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tăng được giá trị xuất khẩu đường vào thị trường Trung Quốc trong năm nay do quốc gia này đang thiếu hụt vùng nguyên liệu đường nên phải nhập khẩu đường của nước ta.

Giá đường thế giới phục hồi mạnh cũng là một trong những yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp ngành đường thu về kết quả kinh doanh ngọt ngào thời gian qua. 

Song theo các chuyên gia, dù đang được đánh giá là có triển vọng tươi sáng trong giai đoạn tới nhưng vẫn có vấn đề các nhà đầu tư cần phải quan tâm đối với các doanh nghiệp ngành mía đường, đó là tình trạng đường nhập lậu vẫn tiếp tục "lũng đoạn giá", đường sản xuất trong nước vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp và nông dân tiếp tục gặp khó khăn.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo, các loại đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan tiếp tục hiện diện thông qua nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, từ các nước ASEAN và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường sản xuất từ mía trong nước đang tồn kho, sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 7, tháng 8/2021, ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Một vấn đề khác được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là diễn biến của dịch bệnh. Chỉ khi dịch được kiểm soát tốt, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh trở về trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp mới kỳ vọng ổn định và tăng trưởng. Nhất là doanh nghiệp ngành mía đường chủ yếu chỉ phục vụ thị trường nội địa.

Việc Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ảnh hưởng đến việc giao hàng vào các siêu thị. Cho đến khi xin được giấy phép luồng xanh, khó khăn này mới dần được tháo gỡ.

Ngoài ra, để phát triển và đưa ngành đường Việt Nam về đúng với tầm vóc và cuộc chơi thương mại sòng phẳng cần sự hợp sức và chung tay của tất cả các thành phần, từ chính quyền, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nông dân… Hơn hết, lực lượng chức năng cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để phá các đường dây, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, doanh nghiệp đeo mác đường nội địa…

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn