Doanh nghiệp mua lại trước hạn hơn 34.000 tỷ đồng trái phiếu

Tài chính - Đầu tư
08:13 AM 30/04/2025

Việc các doanh nghiệp mua lại 7.502 tỷ đồng trái phiếu trong tuần qua đã nâng tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn từ đầu năm lên 34.333 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái Phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến thời điểm ngày 26/4/2025, trong tháng 4, đã có tổng cộng 17 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị đạt khoảng 30.217 tỷ đồng.

Doanh nghiệp mua lại trước hạn hơn 34.000 tỷ đồng trái phiếu- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lũy kế từ đầu năm 2025, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 55.321 tỷ đồng. Trong đó, có 13 đợt phát hành công chúng với giá trị 27.104 tỷ đồng, chiếm 49% tổng giá trị phát hành, và 17 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.217 tỷ đồng, chiếm 51% tổng giá trị phát hành.

Trong tuần từ 21/4 đến 26/4, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 7.502 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn từ đầu năm đến nay lên 34.333 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2024. Ngành bất động sản dẫn đầu về giá trị mua lại trước hạn, chiếm khoảng 39,7% tổng giá trị mua lại, tương ứng với 13.631 tỷ đồng.

Theo dự báo của VBMA, trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 165.640 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 87.970 tỷ đồng, tương đương 53,1% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 40.166 tỷ đồng, chiếm 24,2%.

Cũng trong tuần qua, giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ trung bình mỗi ngày đạt 4.461 tỷ đồng, giảm 30% so với tuần trước. Các tổ chức phát hành có trái phiếu được giao dịch nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu với 3.055 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seasides Homes với 2.298 tỷ đồng, và Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Đức với 2.247 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt khoảng 362.253 tỷ đồng.

Nhìn về triển vọng thị trường TPDN trong năm 2025, FiinRatings dự báo, giá trị dư nợ sẽ tăng từ 15 - 20%. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn sẽ phải đẩy mạnh phát hành TPDN nhằm tăng vốn cấp 2, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời duy trì lãi suất huy động ổn định. 

Điều này sẽ đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, như tỷ lệ LDR (tổng dư nợ cho vay/tiền gửi) và việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Nhiều ngân hàng cũng đang có kế hoạch tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phiếu, tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian và phụ thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, các quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ và chào bán đại chúng dự kiến sẽ được áp dụng trong nửa cuối năm 2025. Những thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng trái phiếu và thu hút thêm nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là khi lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp.

Nhu cầu tái tài trợ và tái cấu trúc vốn sẽ gia tăng, đặc biệt từ các ngành thâm dụng vốn như bất động sản, năng lượng, xây dựng và vật liệu trong các quý tới. Các ngân hàng tiếp tục là những người mua chính TPDN, và với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao, sẽ thúc đẩy các ngân hàng gia tăng tỷ trọng đầu tư vào TPDN.

Theo FiinRatings, một điểm sáng trong triển vọng thị trường TPDN là khả năng Việt Nam sẽ sớm ban hành khung phân loại xanh trong năm 2025. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của trái phiếu xanh, đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh. Dự thảo này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu và tín dụng xanh, hỗ trợ chuyển đổi xanh và đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tiếp theo là ngày 5/5 Kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu tiếp theo là ngày 5/5

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương công bố về việc lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu về ngày 5/5/2025, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025.