Doanh nghiệp năng lượng sạch "nóng lòng" chờ cơ chế
Mặc dù được biết đến là một thị trường mới nổi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tuy nhiên, doanh nghiệp năng lượng sạch còn gặp nhiều gập ghềnh trong quy trình thi công và hoàn thiện dự án.
Với nguyên lý hoạt động, luồng không khí (gió) đập vào cánh tua bin làm quay máy phát điện sinh ra nguồn điện gió. Nguồn điện gió cũng là nguồn điện xoay chiều như thủy điện, nhiệt điện, nhưng nguồn điện năng lượng lượng tái tạo được coi là nguồn điện sạch, làm giảm đáng kể tỷ lệ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Tiềm năng lớn nhưng doanh nghiệp...chới với
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ngoài tiềm năng về năng lượng mặt trời thì Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió, lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Theo lộ trình phát triển, Việt Nam sẽ có 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030
Vài năm trở lại đây, nhờ công nghệ phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án, nhằm tận dụng khai thác triệt để nguồn tài nguyên vô tận từ năng lượng gió và mặt trời. Qua đó mỗi năm Việt Nam được đấu nối hàng tỉ KW điện sạch vào lưới điện quốc gia.
Các doanh nghiệp điện gió và điện mặt trời trong nước còn gặp nhiều rào cản trong quá trình khởi công, hoàn thiện dự án, khó có cơ hội tiếp cận được các ưu đãi từ cơ chế
Tuy nhiên, các doanh nghiệp điện gió và điện mặt trời trong nước còn gặp nhiều rào cản trong quá trình khởi công, hoàn thiện dự án, khó có cơ hội tiếp cận được các ưu đãi từ cơ chế. Bởi thời gian ban hành các thông tư, quyết định hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo có thời hạn ngắn, khiến doanh nghiệp không kịp đón nhận do thời gian hoàn thành dự án thường kéo dài từ 1,5 -2 năm.
Cụ thể mới đây nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (thay thế Quyết định 11/2017). Quyết định này đã đưa ra các biểu giá hỗ trợ mới FIT2 (giá bán điện) cho các dự án điện mặt trời, mặt đất, mái nhà và trên mặt biển.
Thế nhưng hiệu lực của quyết định 13 chỉ có thời hạn đến cuối tháng 12 năm 2020 nên doanh nghiệp chỉ còn 7 tháng chạy đua, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch COVID -19, thì thời hạn này gần như bất khả thi đối các doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về những khó khăn còn tồn tại, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Phó trưởng văn phòng Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết: ngoài những khó khăn trên, thì doanh nghiệp điện gió còn vướng nhiều rào cản lớn bởi đa phần nguyên phụ kiện đều nhập khẩu, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế.
Ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã gây ra sự khan hiếm về Turbine, máy biến tần, cánh quạt tạo, khiến các chủ đầu tư Việt Nam phải mua Turbine gió giá cao, với số tiền đặt cọc lớn và nhận hàng sau 1 năm làm tăng chi phí đầu tư, đội vốn dự án lên tới hàng triệu USD.
Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp sẽ mất cơ hội để hưởng ưu đãi từ Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng về ưu tiên phát triển điện gió. Bởi các dự án đang thi công khó có thể hoàn thành để đưa vào vận hành trước mốc thời gian ngày 01/11/2021.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc trong cơ chế, thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó lãi suất vay của các ngân hàng trong nước cũng đang ở mức khá cao từ 11 – 12%, khiến tỷ suất đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo có hiêụ quả thấp.
Cần có cơ chế rõ ràng
Đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp điện sạch tại Việt Nam phát triển, đại diện Hiệp hội năng lượng tái tạo Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương cần nhanh chóng ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện giá FIT2 để đảm bảo đủ thời gian cho các bên tham gia được hưởng các ưu đãi từ chính sách. Đồng thời đối với điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời hạn quy định hỗ trợ giá theo Quyết định 13 được gia hạn tới cuối tháng 12/2020.
Đánh giá về thực trạng trên Tiến sĩ Dư Văn Toán - Chuyên gia nguyên cứu quản lý Biển và Hải Đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Để giúp ngành công nghiệp NLTT Việt Nam phát triển bền vững, cần có lộ trình quy hoạch và định hướng chiến lược dài hạn cụ thể. Thực hiện triển khai quy hoạch phát triển điện lực song hành giữa nguồn phát và hệ thống truyền tải là yếu tố quan trọng để đảm bảo tối ưu hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tránh trường hợp phải giảm tải như trường hợp điện mặt trời vừa qua, gây tốn kém lãng phí công suất của doanh nghiệp.
Đặc biệt Bộ Công thương cần sớm thực hiện kế hoạch xây dựng đường dây 500KV mạch 3 đưa vào Quy hoạch điện VIII để giải tỏa công suất phát điện của các dự án điện gió từ Bắc xuống Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước cần ban hành sớm Luật năng lượng tái tạo để minh bạch hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, vì hiện nay các điều khoản trong Luật quy hoạch như quy hoạch không gian biển, quy hoạch cảng chưa được quy định đồng bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng trên các nhà đâu tư cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, quy định tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Vì phát triển điện gió gần bờ và ngoài khơi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo. Điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn nhưng cần sớm có quy hoạch không gian biển cũng như cơ sở hạ tầng phù hợp.
Theo Enternews
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.