Doanh nghiệp ngành thép cần bám sát hệ thống cảnh báo sớm về thương mại
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU thì Mỹ cũng chính là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Chính vì vậy, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ từ chính những thị trường này.
Kể từ năm 2004 đến tháng 7/2022, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thép xuất khẩu của Việt Nam đã bị nước ngoài kiện tổng cộng 68 vụ việc, trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ.
Ngày 28/7/2022, Bộ Kinh tế Mexico đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Sau đó, ngày 29/7/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng đã điều tra về việc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra hơn hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Chính vì thế, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mặt hàng thép bị khởi kiện không phải mới xuất hiện gần đây mà đã có truyền thống từ xưa. Nguyên nhân chính để xảy ra những vụ kiện này là do các thị trường nước ngoài có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.
Theo VSA, để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thép nếu nằm trong diện bị kiện phòng vệ cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước xuất khẩu, từ đó thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình xử lý vụ việc. Việc trả lời các câu hỏi đưa ra là bắt buộc, nếu các doanh nghiệp không muốn bị áp dụng mức thuế bất hợp tác.
Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo bao gồm 11 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Từ những cảnh báo sớm này, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thép đã chủ động hơn trong ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. VSA cho hay, tính đến tháng 7/2022, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng vệ hiệu quả hơn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ làm phòng vệ thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; duy trì các cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để xuất khẩu mặt hàng sắt thép ổn định, bền vững.
Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc.
Hà LoanGiá xăng, dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15h hôm nay (12/9) sau điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.