Doanh nghiệp ngành xi măng, sắt thép suy giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19
Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động tới các DN xi măng, khi tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, tiêu thụ xi măng nội địa giảm sút, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019 và bằng 48% so với cuối năm 2019; xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 70% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019; tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cuối năm 2019.
Theo VNCA, trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xi măng đã ý thức được trách nhiệm của mình, thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tìm mọi biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cơ quan, doanh nghiệp của mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cán bộ, công nhân, duy trì sản xuất, kinh doanh…
Nhiều ngành hàng ảnh hưởng suy giảm cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu (ảnh: Thái Quảng - Cảng Nghi Sơn).
Tuy nhiên, do diễn biến của dịch COVID-19 khá phức tạp, thời gian kéo dài khiến việc tiêu thụ xi măng ở thị trường trong nước cũng như thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Tổn thất do dịch bệnh gây ra đối với ngành xi măng rất nặng nề. Để ngăn chặn đà suy giảm, ổn định sản xuất, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Chính phủ cũng như các bộ ngành nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng Việt Nam. Cụ thể là các chính sách miễn, giảm thuế, giảm lãi suất vay ngân hàng… cần triển khai nhanh cho cộng đồng DN bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa qua cũng đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành thép trong nước. Theo đó, dịch đã tác động đến ngành thép, khiến hiệu quả kinh doanh của các DN trong ngành đều giảm sút mạnh, thậm chí thua lỗ. Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt hơn 3,6 triệu tấn, giảm 5,3%; lượng bán ra giảm 17,8% so cùng kỳ 2019. Tình hình xuất khẩu cũng ảm đạm, chỉ đạt 602.723 tấn, giảm 31% so với 2 tháng đầu năm 2019.
Về diễn biến giá cả, trong 2 tháng đầu năm, do nhu cầu yếu nên giá thép xây dựng có xu hướng giảm, trong khi giá một số nguyên liệu sản xuất lại có xu hướng tăng do hạn chế nguồn cung từ Trung Quốc (than cốc, quặng sắt, than điện cực..). Đáng lưu ý, trong lúc thị trường ảm đạm, tồn kho thành phẩm ngày càng tăng, nhưng lãi vay ngân hàng vẫn phải trả, chi phí bảo quản và lưu kho bãi tăng, khiến DN thép càng thêm khó khăn. Đại diện VSA cũng cho biết, dịch bệnh đã làm tắc nghẽn thị trường lưu thông hàng hóa. Hiện nhiều công trình và các dự án đầu tư xây dựng sử dụng đến mặt hàng thép đều bị dừng thi công. Một số nhà máy thép có cán bộ, công nhân trong vùng dịch và các vùng lân cận cũng phải dừng, tiết giảm sản xuất do lao động chưa ổn định hoặc do gián đoạn nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dù vậy, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các DN thành viên đã, đang và tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động cũng như chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực cho ngành thép, VSA kiến nghị Chính phủ cần sớm có các giải pháp hỗ trợ về chính sách tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ. Đồng thời có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN và vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch.
Thủ tướng đã có chỉ thị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng đến nay vẫn chưa DN nào tiếp cận được.
Vũ Bình - Ngọc Mai
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.